Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): “Bệ đỡ” của các doanh nghiệp!
Lãnh đạo các địa phương trong Top 10 PCI năm 2021 |
Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI
Sau 3 năm tạm dừng hoạt động vì Covid-19, anh Đặng Ngọc Thư, chủ doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Quảng Ninh đã đến Trung tâm phục vụ hành chính công làm giấy đăng ký kinh doanh mới. Tại đây, doanh nghiệp đã được hướng dẫn hỗ trợ cụ thể về các thủ tục hành chính.
“Các cán bộ ở đây hướng dẫn tỉ mỉ để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, không mất thời gian đi lại nhiều. Thời gian làm việc rất nhanh chỉ mất khoảng 3 ngày là có thể lấy giấy đăng ký kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp nhanh chóng có thể hoạt động kinh doanh trở lại”, anh Thư chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, dù đứng đầu chỉ số PCI trong 5 năm liên tiếp, song trong năm 2022, địa phương vẫn kiên trì với các nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là việc gia nhập thị trường và chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính.
Nhiều thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đã được cắt giảm 40-60% so với quy định. Đặc biệt, các thủ tục liên quan đến đầu tư được cắt giảm rất nhiều như thủ tục thu hút đầu tư được cắt giảm từ 53 ngày theo quy định xuống còn 18 ngày hay việc thu hút đầu tư trong khu công nghiệp theo quy định là 43 ngày thì nay chỉ thực hiện 15 ngày.
“Các cán bộ công chức phải xử lý quy trình 5 bước khép kín ngay tại trung tâm: Hướng dẫn – Tiếp nhận – Thẩm định – Phê duyệt – Đóng dấu - Trả kết quả. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiến tới thực hiện các bước này trên môi trường mạng, toàn bộ các hồ sơ được số hóa ngay từ đầu vào đến khi kí số và trả kết quả”, bà Vân thông tin.
Tương tự, theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó trưởng Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng, là địa phương có sự ổn định nhất về kết quả chất lượng đánh giá năng lực điều hành kinh tế PCI nhờ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên.
Tuy vậy, Đà Nẵng vẫn có một số chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian để thực hiện các quy định Nhà nước, chất lượng đào tạo lao động vừa giảm điểm vừa tụt hạng. Vì vậy, địa phương đã thành lập Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng.
“Các tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ nắm bắt nhanh chóng các vấn đề của doanh nghiệp và giúp chính quyền có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các tổ công tác cũng hỗ trợ tích cực công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương”, bà Trâm nêu rõ.
Đặc biệt, từ giữa năm 2022, kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, tình hình sản xuất của số đông doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm mạnh.
Theo đó, ngoài việc rà soát, thực hiện có hiệu quả đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 còn hiệu lực, địa phương cũng tập trung ổn định sản xuất, ban hành thêm chính sách hỗ trợ về vốn, hỗ trợ về mặt bằng, và hỗ trợ về tuyển dụng lao động.
“Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi hỗ trợ tạo thuận lợi về thủ tục trong việc thông quan và kết nối với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm các thị trường mới để các sản phẩm xuất khẩu thuận lợi hơn” bà Trâm nêu rõ.
Cải cách tốt đã được lan tỏa
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 288 về Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đưa chỉ số PCI trở thành một chỉ tiêu chính để đánh giá kết quả cải cách hành chính ở các tỉnh, thành phố.
Theo đó, các địa phương đều đã và đang nỗ lực hết sức để nâng hạng PCI, không chỉ tạo ra sự sôi động cho “đường đua” này mà còn đặt ra sự cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, trong "đường đua" bảng xếp hạng qua các năm, dù có tỉnh thăng hạng và xuống hạng, nhưng điều đáng mừng là lãnh đạo các địa phương đều hết sức quan tâm đến thước đo PCI.
Các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Và điều này cũng phát đi tín hiệu về những động lực và thực tiễn cải cách tốt đã được lan tỏa.
Ông Tuấn cũng cho rằng, bản chất của PCI là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới chính quyền địa phương. Vì vậy, việc cải thiện các chỉ số PCI nằm trong tầm tay của chính quyền các địa phương và có thể thực hiện ngay, với chi phí không cao.
"Công khai thông tin về các cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, hay chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ, tiếp cận đất đai, hay hướng dẫn tuân thủ các quy định... mất ít chi phí hơn rất nhiều so với những khoản đầu tư lớn, khó chủ động như thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng hiệu quả lại vô cùng lớn...", ông Tuấn nêu ví dụ.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về các hoạt động kinh doanh, đầu tư còn chồng chéo, đang trong quá trình hoàn thiện, thì vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định sự thành bại của các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
“Bài học rút ra được từ các cuộc khảo sát, phỏng vấn doanh nghiệp là đánh giá một môi trường kinh doanh tốt không phải nhờ những bản kế hoạch hành động hoành tráng, số lượng văn bản ban hành dày đặc, hay những ngôn từ tốt đẹp, mà phải nhìn từ việc thực hiện từng thủ tục hành chính cụ thể”, ông Tuấn nhìn nhận.
Những nỗ lực của cải cách của các địa phương trong năm 2022 sẽ được ghi nhận vào báo cáo PCI 2022 được công vào ngày 11/4 tới đây. Đây là cuộc khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên từ gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài việc công bố danh sách các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất, báo cáo còn sẽ nhận diện các khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, từ đó đưa ra khuyến nghị nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp. Cũng trong báo cáo PCI 2022, VCCI lần đầu tiên giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng môi trường kinh doanh hướng tới định hướng xanh và phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Trong lần công bố trước, Top 3 thuộc về Quảng Ninh, Hải Phòng và Đồng Tháp. |