Các nước châu Âu ứng phó với mưa lũ kỷ lục trong lịch sử
Một áp thấp di chuyển chậm được gọi là bão Boris đã đổ lượng mưa tương đương một tháng xuống nhiều nước châu Âu. Báo động đỏ - mức cảnh báo cao nhất - đã được ban hành cho một số khu vực của Ba Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Áo, Slovakia... Theo Meteoalarm, mức cảnh báo này liên quan đến "hiện tượng khí tượng dữ dội" và "có khả năng gây ra thiệt hại lớn". Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản.
Lũ lụt ở Ba Lan |
Các quốc gia Trung Âu đang triển khai các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với tình hình mưa lũ. Các lực lượng cứu hộ và cơ quan chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời khuyến cáo người dân tuân thủ các hướng dẫn an toàn và sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu.
Bộ trưởng Môi trường Séc Petr Hladik cho biết tình hình hiện tại ở Cộng hòa Séc tương tự như thời điểm trước khi diễn ra trận lũ lụt lịch sử làm tê liệt đất nước vào năm 1997 và 2002. Trận lũ năm 1997 tấn công vùng phía Đông Moravia - nơi có lượng mưa lớn, cướp đi sinh mạng của 50 người và gây thiệt hại hàng tỷ USD. Trong khi đó, trận lũ lụt năm 2002 ở phía Tây đất nước, khiến 17 người thiệt mạng và gây thiệt lớn hơn trận lũ lụt năm 1997.
Các nhà điều hành đập thủy điện đang chủ động giảm mực nước ở một số hồ chứa nước của Séc, trong khi một số lễ hội ngoài trời bị hủy hoặc hoãn lại. Tại thủ đô Praha, hoạt động giao thông đường thủy đã bị cấm. Các cơ quan chức năng đã cho lắp đặt hệ thống chắn lũ tại các khu vực ven sông Vltava, đồng thời sẵn sàng cho các phương án khi mực nước sông tiếp tục dâng cao. Chính quyền thành phố Praha cho thiết lập đường dây nóng để phục vụ người dân trong tình trạng khủng hoảng liên quan đến lũ lụt.
Nhiều thành phố ở Moravia đã dựng rào chắn chống lũ và chuẩn bị bao cát để chống chọi với thời tiết. Các nhà dự báo thời tiết địa phương cảnh báo sức gió có thể lên tới 100km/h.
Cứu hộ ở Séc |
Cảnh sát và lính cứu hỏa phải sử dụng trực thăng để sơ tán những người bị mắc kẹt trong các quận bị ảnh hưởng. Tổng cộng hơn 10.000 người đã được sơ tán trong trên toàn Cộng hòa Séc. 4 người bị nước cuốn trôi hiện vẫn mất tích, khoảng 250.000 ngôi nhà bị mất điện do gió mạnh và mưa lớn.
Bộ Quốc phòng Séc cho biết, quân đội đã kích hoạt trung tâm tác chiến, đặt lực lượng cứu hộ trong tình trạng sẵn sàng cho các tình huống báo động do lũ lụt. Các lực lượng khác như công binh, không quân và các đơn vị cứu hỏa quân sự cũng sẽ được huy động trong trường hợp cần thiết.
Tại Ba Lan, mức độ ngập lụt đang gia tăng ở các thị trấn và làng mạc gần biên giới Séc. Mực nước sông tại Klodzko đã dâng lên 665 cm, vượt qua kỷ lục được ghi nhận trong trận lũ lớn vào năm 1997. Cây cầu ở thị trấn lịch sử Glucholazy sụp đổ hoàn toàn, một ngôi nhà bị cuốn trôi và một con đập bị vỡ. Hiện nguồn cung cấp năng lượng và thông tin liên lạc đã bị gián đoạn ở một số khu vực bị ngập lụt. Các lực lượng cứu hộ đã được huy động, trực thăng đã được điều động đến tỉnh Opolskie để giải cứu những người dân mắc kẹt trên nóc nhà.
Lính cứu hỏa lấp đầy bao cát ở Glucholazy, miền Nam Ba Lan |
Đội cứu hỏa đang xây dựng hàng phòng thủ xung quanh các con sông. Quan chức ở Glucholazy ra lệnh sơ tán. Riêng tại Wroclaw, thành phố với 675.000 dân, thị trưởng đã thành lập ủy ban khủng hoảng. Các nhà chức trách đang tiến hành xả hết nước từ các hồ chứa và lực lượng cứu hỏa thành phố sẵn sàng sử dụng các máy bơm công suất lớn.
Tại Romania, các dịch vụ cứu hộ đã được triển khai tại các hạt bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giới chức Romania thông báo đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 100 năm qua. Thủ tướng Marcel Ciolacu đã đến thăm hạt Galati bị ảnh hưởng nặng nề, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 5.400 ngôi nhà bị hư hại. Chính quyền ở đó đã lập các trại cứu trợ tạm thời với nơi ở cho những người dân phải di dời.
Người dân kéo một người ra khỏi dòng nước lũ ở Romania |
Tại thủ đô Budapest của Hungary, quan chức nâng dự báo mực nước sông Danube dâng cao trong nửa cuối tuần này lên hơn 8,5 m, gần mức kỷ lục 8,91 m vào năm 2013.
Tại Áo, mưa lớn đã khiến nước dâng cao ở một số con sông và các dịch vụ cứu hộ được triển khai tại một số vùng của đất nước. Nhiều thành phố ở Áo đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi mưa lớn tiếp tục kéo dài.Thủ tướng Áo Karl Nehammer tuyên bố quân đội sẵn sàng triển khai tới 1.000 binh sĩ để hỗ trợ công tác phòng chống lũ và cứu hộ, cứu nạn.
Quân đội Slovakia và lực lượng lính cứu hỏa tình nguyện cũng đang trong tình trạng báo động. Chỉ huy Lực lượng Cứu hỏa Slovakia, ông Adrian Mifkovic cho biết các đập di động dài 5 đến 6km đã sẵn sàng được huy động trong trường hợp cần thiết.
Tại Đức, các tiểu bang phía Nam và phía Đông đang chuẩn bị ứng phó với lũ lụt. Cảnh báo lũ lụt đã được ban bố cho các con sông ở tiểu bang Saxony. Thủ phủ của bang Dresden, nằm trên sông Elbe sẽ được bảo vệ khỏi mực nước dâng cao bằng các rào chắn di động được dựng lên ngày 16/9.
Việt Nam và Trung Quốc phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống lũ lụt, khắc phục hậu quả của bão Yagi Trước tình hình thiên tai, bão lũ nghiêm trọng xảy ra trên địa bản một số tỉnh, thành phía Bắc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, ngày 9/9/2024, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đề nghị Trung Quốc phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống lũ lụt, khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra. |
Lào: Thủ đô Vientiane và Luang Prabang chuẩn bị ứng phó với lũ lụt do mực nước sông Mekong dâng cao Trước tình trạng mực nước sông Mekong dâng cao, Lào đã kích hoạt các biện pháp ứng phó khẩn cấp để bảo vệ thủ đô Vientiane và thành phố Luang Prabang. Những trận mưa lớn dự kiến sẽ tiếp tục trong nhiều ngày tới, khiến cả hai thành phố đứng trước nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng. |