Các nhà băng đang ở đâu so với vạch đích 2024?
Hình minh họa.
Khi năm tài chính 2024 sắp khép lại, bức tranh hoạt động của các ngân hàng thương mại trong 9 tháng đầu năm đã dần lộ diện. Mặc dù vẫn là một ngành có kết quả tích cực, tăng trưởng lợi nhuận tại nhiều ngân hàng bắt đầu chậm lại do các yếu tố vĩ mô chưa có cải thiện rõ rệt và doanh nghiệp còn gặp khó khăn, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.
Vài năm trước, nhiều nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng bằng lần, thậm chí cán đích kế hoạch trước cả nửa năm. Tuy nhiên, năm nay, các trường hợp tăng trưởng mạnh như vậy trở nên hiếm hoi.
Theo báo cáo, sau 9 tháng đầu năm, ABBank mới chỉ đạt con số lợi nhuận khiêm tốn là gần 239 tỷ đồng, giảm mạnh 66,2% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do khoản lỗ tới hơn 343 tỷ đồng trong quý III do gánh nặng trích lập dự phòng và sụt giảm trong các mảng kinh doanh cốt lõi. Với kết quả đạt được, ABBank mới chỉ hoàn thành 23,9% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024 (1.000 tỷ đồng).
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ngân hàng OCB, khi lợi nhuận trước thuế đạt 2.553 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm 34,8% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 37% kế hoạch năm. Eximbank cũng đang cách "vạch đích" khá xa khi chỉ hoàn thành 46% mục tiêu lợi nhuận mà cổ đông đặt ra.
Ở chiều ngược lại, dù con số tuyệt đối đạt được còn khá khiêm tốn nhưng so với kế hoạch lợi nhuận của cả năm là 800 tỷ đồng, ngân hàng Kienlongbank đã hoàn thành tới 95% chỉ tiêu chỉ sau 9 tháng (đạt 760 tỷ đồng).
Tương tự, lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 182 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và hoàn thành 90% mục tiêu nhờ kiểm soát chi phí và tăng trưởng tín dụng vào phân khúc khách hàng cá nhân. LPBank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.818 tỷ đồng sau 9 tháng, gấp 2,4 lần cùng kỳ, đạt 84% kế hoạch năm.
Một số thành viên khác như Techcombank, HDBank, SHB hay VietBank cũng đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch lợi nhuận năm sau 3 quý đầu năm.
Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống với mức lợi nhuận ghi nhận trong 9 tháng đầu năm lên tới 31.533 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 75,1% kế hoạch năm.
Trong khi đó, nhờ các mảng hoạt động lõi tăng trưởng tích cực đã giúp Techcombank - một đại diện từ khối ngân hàng thương mại tư nhân vượt qua một loạt các “ông lớn” để trở thành ngân hàng đạt lợi nhuận cao thứ 2 hệ thống.
Cụ thể, sau 9 tháng, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 22.842 tỷ đồng, tăng trưởng 33,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 84% kế hoạch năm.
Ngân hàng BIDV đang đứng vị trí thứ ba với lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đạt 22.047 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Ngân hàng MB và VietinBank đang lần lượt chiếm vị trí thứ tư và năm trong bảng xếp hạng lợi nhuận, với con số đạt được lần lượt là 20.736 tỷ đồng (tăng trưởng 3,6%) và 19.513 tỷ đồng (tăng trưởng 12%).
Ngoài ra, trong “câu lạc bộ” trên 10.000 tỷ đồng lợi nhuận 9 tháng đầu năm còn có ACB với 15.335 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với cùng kỳ và hoàn thành 70% kế hoạch lợi nhuận năm. VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 13.861 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ, HDBank ghi nhận lợi nhuận 12.655 tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ. Một “ông lớn” khác là Agribank, dù chưa công bố BCTC quý 3 nhưng cũng đã ghi nhận lợi nhuận 13.015 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.
Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm mới chỉ đạt 10,08%. Như vậy, với hạn mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2024 là 15%, không gian tín dụng cho 2 tháng cuối năm còn khá “xông xênh”, khoảng 5%. Đây sẽ là cơ hội cho các tổ chức tín dụng chạy đua giành thị phần, đặc biệt đây lại là giai đoạn cao điểm cấp vốn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhu cầu tín dụng còn chậm và còn phân mảnh khiến cho các ngân hàng phải áp dụng nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất thấp. Ngoài ra, việc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng làm cho lãi suất cho vay khó tăng trong khi lãi suất huy động đang tăng dần. Những yếu tố này khiến NIM có thể tiếp tục xu hướng giảm trong những tháng cuối năm, từ đó ảnh hưởng không nhỏ lên lợi nhuận ngân hàng.