Bò Wagyu "made in Vietnam": nghe nhạc, uống bia, massage như "ông hoàng"
Nghe nhạc, uống bia và massage
Một ngày tháng Sáu nóng oi bức, anh nhân viên Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) đem mấy chai bia Hà Nội cho bò uống. Bia được rót thẳng vào thức ăn, kích thích vị giác khiến con bò ăn uống nhiều hơn và thức ăn cũng dễ tiêu hóa hơn.
Nhân viên Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cho bò Wagyu uống bia. |
Bò đang ở giai đoạn vỗ béo, trọng lượng tăng nhanh, trong thân tích tụ nhiều mỡ, ngày nắng rất dễ bị đột quỵ. Bởi rủi ro cao nên nhân viên Trung tâm chăm bò như chăm trẻ. Bò được tắm mát, nghe nhạc chống stress, ăn thức ăn có nguồn gốc hữu cơ, đặc biệt khi trời nóng được uống bia, rượu vang hay chút rượu sake, đồng thời được massage thường xuyên để những vùng nhiều mỡ dưới da tan vào trong thịt, tạo thành lớp thịt xen mỡ đặc trưng.
Nhờ quy trình chăm sóc đặc biệt này nên thịt bò Wagyu nổi tiếng với các vân mỡ cẩm thạch, thịt mềm, có vị thơm ngon đặc trưng. Đặc biệt, mỡ của giống bò này có hàm lượng chất béo Omega 3 và Omega 6 cao, rất tốt cho sức khỏe - ông Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cho biết.
Bò Wagyu được tắm chải thường xuyên. |
Khi bò đủ tuổi xuất chuồng (thường từ 28 đến 48 tháng), Trung tâm thực hiện quy trình giết mổ nhân đạo. Trước khi đến khu mổ, bò phải hoàn toàn mạnh khỏe, nhịn ăn 24 giờ, chỉ uống nước mà thôi. Bò được tắm chải và làm khô, nghe nhạc cổ điển để hạn chế stress chừng 20-25 phút. Sau đó nhân viên che mắt bò và gây choáng nhanh. Cái chết nhanh bằng phát súng nhân đạo khiến con bò không phải chịu đau đớn kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Sau quá trình giết mổ, bò được đưa vào phòng mát có nhiệt độ dưới 12 độ C, thân thịt được xẻ làm tư rồi lưu lại phòng mát trong 24 giờ. Ở giai đoạn ủ thịt, thịt bò ở trong kho lạnh với nhiệt độ duy trì ở mức 1-2 độ C trong vòng 14-17 ngày, sau đó được đưa ra pha lóc tại phòng mát ở nhiệt độ dưới 12 độ C. Cuối cùng thịt được đóng gói, gắn tem tại phòng mát. Nếu bảo quản mát ở nhiệt độ 0-2 độ C, thịt để được trong 6 tuần, còn nếu cấp đông với nhiệt độ -18 độ C thì bảo quản được 10 tháng.
"Với chừng ấy thời gian, nếu là bò ốm hay sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc sẽ bị oxy hóa và bốc mùi. Còn ở đây, với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, sử dụng công nghệ mát, tiêu chuẩn Nhật Bản, miếng thịt rất an toàn và vẫn thơm ngon trong vòng 10 tháng", ông Tăng Xuân Lưu nói, đồng thời tự hào khẳng định, chất lượng bò Wagyu của Trung tâm bằng 70-80% chất lượng bò Kobe ở Nhật Bản, song giá bán ra chỉ bằng 60% so với mức giá thịt nhập từ Nhật Bản và Australia về.
"Sở dĩ chất lượng bò Wagyu của Trung tâm chưa thể bằng bò Kobe Nhật Bản là vì đây là con lai. Nhật Bản có thể nuôi bò đến 72 tháng mới làm thịt, nhưng ở Việt Nam chủ yếu mới nuôi đến 28-34 tháng. Quan trọng hơn, Nhật Bản đã hình thành một văn hóa chăn nuôi bài bản và quy củ. Ăn thịt bò Kobe chính là thưởng thức văn hóa Nhật Bản và đó là lý do vì sao thịt bò Kobe đắt như vậy", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì giải thích.
Mong muốn người Việt được ăn thịt bò Wagyu giá Việt Nam
Hiện trong các sản phẩm thịt bò Wagyu của Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, thăn nội có giá cao nhất (3,99 triệu đồng/kg); tiếp đó đến thăn ngoại (3,2 triệu đồng/kg); bắp hoa (2,59 triệu đồng/kg); bắp (2,49 triệu đồng/kg); mông (2,35 triệu đồng/kg)... Trung tâm đã hợp tác với một doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời mở quán phở bò Wagyu bát đá giới thiệu đến người tiêu dùng Hà Nội. Hiện phở bò Wagyu ở Ba Vì, ngay gần Trung tâm được bán với giá 200.000 đồng/bát, còn ở thị trấn Phùng (Đan Phượng) - trong nhà hàng của doanh nghiệp liên kết với Trung tâm, một bát phở bò Wagyu được bán với giá 299.000 đồng.
Sản phẩm thịt bò Wagyu của Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì được giới thiệu trong một hội thảo. |
"Trước đây khách đến ăn phở bò Wagyu bát đá ở Ba Vì chủ yếu là vì tò mò, thời gian đầu quán chỉ bán vào thứ 7, Chủ Nhật. Tuy nhiên, giờ đây lượng khách đến ăn ngày một tăng, quán đã bán cả tuần", ông Tăng Xuân Lưu hồ hởi nói.
Hiện khách hàng sử dụng thịt bò Wagyu của Trung tâm chủ yếu là người có thu nhập, đã sử dụng thịt bò Wagyu ở nước ngoài, biết được giá trị, chất lượng của loại thịt bò này. Ngoài ra, Trung tâm cũng cung cấp thịt bò Wagyu cho các tour du lịch, nhà hàng cao cấp.
Ông Tăng Xuân Lưu chia sẻ, ý tưởng đưa bò Wagyu về Việt Nam nhen nhóm từ năm 2001 khi ông đang là tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Lần đầu được thưởng thức thịt bò Wagyu, trực tiếp quan sát, theo dõi người Nhật chăm sóc, nuôi dưỡng bò, ông Lưu đã nuôi ý tưởng đưa bò Wagyu về Việt Nam, để người dân trong nước được "ăn thịt bò Wagyu xịn với giá Việt Nam".
Từ năm 2017, cùng với TP Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì nhập 6.000 tinh bò đực thuần Wagyu về lai với bò Việt Nam. Song song với đó, Trung tâm phát triển theo hướng nghiên cứu lai tạo, nâng máu lai của đàn bò Wagyu và đưa ra quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo để ra được chất lượng thịt bò gần như bò Kobe. Hiện đàn bò Wagyu của Trung tâm có khoảng 100 con, trong đó hàng năm tạo ra 40-60 con để bổ sung đàn. Riêng số lượng bò Wagyu đủ tiêu chuẩn giết thịt mỗi năm đạt từ 20-30 con.
"Khó khăn lớn nhất của Trung tâm hiện nay chính là khâu thương mại. Để tiếp tục phát triển đàn bò Wagyu theo hướng bền vững, chúng tôi rất mong muốn tìm được đối tác có thể gắn kết lâu dài với mình". Ông Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì |