Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ
Trường liên cấp số 14 được thành lập năm 1949, là một trong những cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước Mông Cổ. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/5/1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ đã ra quyết định cho phép Trường liên cấp số 14 được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, vào năm 2009, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang trọng đặt tại vị trí trung tâm trong khuôn viên của trường, nhìn ra đại lộ Hòa bình lớn nhất của thủ đô Ulan Bator. Cũng trong năm này, Phòng Truyền thống Hồ Chí Minh được thành lập tại trường với nhiều hình ảnh, kỷ vật về Người và quan hệ hai nước, tạo không gian ấm áp để tưởng nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn của đất nước và nhân dân Mông Cổ.
Một buổi lễ dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên của trường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ) |
Theo thầy E. Gungaajav, Hiệu trưởng trường Hồ Chí Minh: 43 năm qua, thầy, trò của trường luôn được Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh sang Việt Nam tham quan, học tập. Đây là nguồn động viên, khích lệ đối với thầy, trò nhà trường phấn đấu là trường hàng đầu của Mông Cổ, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.
Trường Hồ Chí Minh là trường chuẩn quốc gia, với 180 giáo viên, 40 nhân viên và gần 3.000 học sinh ở cả ba cấp 1, 2, 3. Nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ Tiếng Việt, thu hút được nhiều học sinh tham gia học. Những hoạt động của thầy, trò trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của nhà trường 74 năm qua, đặc biệt những thành tích nổi bật từ khi vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, quảng bá về con người, đất nước Việt Nam; vun đắp, củng cố quan hệ Việt Nam - Mông Cổ.
Chúng tôi tự hào được công tác, giảng dạy trong trường có bề dày truyền thống mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Và điều đó như nhắc nhở tôi và các đồng nghiệp phải cố gắng làm tốt công việc giảng dạy, “trồng người” để xứng đáng với niềm tin yêu của các bạn Việt Nam. Cô Sodnom Ordon, Thư ký trường Hồ Chí Minh |
Trong chương trình hợp tác về giáo dục giữa hai nước, mỗi năm Việt Nam nhận đào tạo 15 học sinh của Mông Cổ. Trong đó, chính phủ Mông Cổ tạo điều kiện cho 3 học sinh của trường mang tên Hồ Chí Minh sang Việt Nam học. Hiện trường có gần 20 sinh viên học tại Việt Nam, đều học xuất sắc, kể cả khả năng nghệ thuật.
Trao đổi với báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm cho biết: điều thú vị là tất cả các học sinh của trường đều có những hiểu biết nhất định về Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết hát bài hát Việt Nam, múa điệu múa của Việt Nam. Các thầy cô giáo tự giới thiệu cho học sinh lớp mình về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã thành thông lệ, lễ tốt nghiệp ra trường cho học sinh đều được tổ chức vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dịp để học sinh làm lễ dâng hoa, báo công và trở thành một nét đẹp văn hóa của trường.
Với vai trò là chi hội của Hội hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam, hàng năm trường Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Việt Nam như ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc khánh 2/9 thông qua các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Mông Cổ, góp phần thiết thực tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa thế hệ trẻ hai nước.
Với những thành tích xuất sắc, trường Hồ Chí Minh được Nhà nước Mông Cổ trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt trường có hai lần được Nhà nước Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị, Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng Bằng khen.