Bầu cử Mỹ 2024: Chính sách đối ngoại của ông Donald Trump và bà Kamala Harris đối với châu Á
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bầu cử Mỹ chính thức, cuộc đua vào Nhà Trắng ngày càng gay cấn ở một số bang chiến trường quan trọng, nơi có thể quyết định người chiến thắng. Ngày 5/11, cử tri Mỹ phải phân định ai sẽ là tổng thống thứ 47 của Mỹ: Ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hay ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Cả hai hiện đang ngang tài ngang sức trong các cuộc thăm dò. Tuy nhiên, bất kể ai là người chiến thắng, châu Á vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington.
Ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris cùng người ủng hộ |
Kể từ khi Phó Tổng thống Kamala Harris bước lên vũ đài với tư cách là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, các nhà phân tích đã có nhiều suy đoán về ý nghĩa của chính quyền của bà đối với tương lai của chính sách đối ngoại và cam kết quốc tế của Mỹ. Điều đặc biệt đáng quan tâm là chính quyền Harris có thể có ý nghĩa gì đối với Đông Nam Á, một khu vực mà Mỹ đang cạnh tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc.
Bà Harris đã nâng cao uy tín chính sách của mình trong nhiệm kỳ phó tổng thống trong việc thực hiện chính sách châu Á của chính quyền Biden và hợp tác ngoại giao với các nước Đông Nam Á. Bà đã đi đến tổng cộng 5 quốc gia (Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia) trong ba chuyến đi đến khu vực này. Do vai trò quá lớn của mình trong việc tham dự các diễn đàn khu vực và thúc đẩy các sáng kiến chính sách đặc trưng của chính quyền Biden, bà Harris thực sự đã đi đến khu vực này thường xuyên hơn và gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo hơn cả chính Tổng thống Joe Biden. Qua đó, bà thể hiện cam kết sâu sắc hơn đối với Đông Nam Á hơn bất kỳ phó tổng thống nào khác trong lịch sử hiện đại.
Ở cấp độ chính sách, khi so sánh với những năm nắm quyền của ông Trump, quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á đã được cải thiện đáng kể dưới thời chính quyền Biden-Harris. Đó là những thành tựu lớn: Khôi phục thỏa thuận quốc phòng quan trọng với Philippines; quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được nâng cấp với Việt Nam; Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng với hầu hết các nhà lãnh đạo Đông Nam Á.
Ngoài ra, chính quyền Harris sẽ tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với các đồng minh và đối tác. Dưới thời ông Biden, mạng lưới liên minh và thỏa thuận an ninh của Mỹ đã tăng lên đáng kể, trong đó một thành tựu quan trọng là đưa Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn thông qua thỏa thuận Trại David.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump |
Nếu đắc cử, ông Trump có thể dễ dàng cắt giảm các thỏa thuận mà ông cho rằng không có lợi với Mỹ, qua đó làm suy yếu lợi ích của các đối tác châu Á. Về chính sách kinh tế, ông Trump tuyên bố sẽ tăng mạnh thuế quan, lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10% với các nước khác. Điều này sẽ làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Theo Alex Loo, chiến lược gia ngoại hối và vĩ mô tại TD Securities ở Singapore, trên khắp các thị trường ngoại hối, châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu ông Trump chiến thắng. Đối với các nhà đầu tư ngoại hối châu Á, mối quan tâm hàng đầu là nếu ông Trump đắc cử và ban hành thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nước châu Á bởi khu vực này có xu hướng hướng đến xuất khẩu nhiều hơn.
Về mặt chính trị, khi ông Trump gia tăng áp lực lên Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực sẽ đối mặt với sức ép phải chọn phe ngày càng gay gắt hơn, điều mà châu Á - Thái Bình Dương đã không muốn trong nhiều năm qua.
Việt-Mỹ thân hữu Hội: 79 năm gắn kết nhân dân Việt - Mỹ Ngày 17/10 tại Hà Nội, Hội Việt - Mỹ (thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) tổ chức lễ kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Việt-Mỹ thân hữu Hội, tiền thân của Hội Việt - Mỹ hiện nay. |
Quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam tại Mỹ Khách tham dự bày tỏ ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, mong muốn được khám phá các thắng cảnh nổi tiếng ở ba miền nước ta và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. |