Bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2019 được chấm ra sao?
Vì sao công bố điểm thi THPT quốc gia 2019 muộn hơn các năm trước? Giám thị kí nhầm, 3 thí sinh ở Lào Cai phải làm lại bài thi môn Văn Thí sinh lo lắng vì đề thi Lịch sử khó, nhiều kiến thức lớp 11 |
Bài thi trắc nghiệm được mã hóa đáp án
Tại buổi họp báo kết thúc công tác coi thi THPT quốc gia 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã giải đáp những thắc mắc xung quanh công tác chấm thi và khâu chấm thi được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về việc hạn chế gian lận khi chấm thi, đặc biệt đối với những bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2019, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, với những thay đổi về mặt kĩ thuật năm nay, khả năng hạn chế được gian lận.
Bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hóa đáp án để tránh hành vi gian lận. |
“Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2019 các môn được tăng cường bảo mật bằng cách mã hóa. Mã hóa từ dữ liệu trung gian đến dữ liệu cuối cùng. Ngay cả đáp án chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa. Và nó chỉ có thể được giải mã bằng công cụ phần mềm trắc nghiệm”, ông Mai Văn Trinh cho biết.
Ông Trinh phân tích: "Cụ thể, phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm điểm phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và phiếu thu bài, chuyển phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét. Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định".
Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.
Thực hiện chức năng nhận dạng ảnh của phần mềm chấm thi trắc nghiệm để chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản đã được mã hóa.
Toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 3 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.
Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã.
Rút kinh nghiệm của kì thi năm 2018, năm nay camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm 24/24h.
Có bộ lưu điện dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại họp báo kết thúc công tác coi thi THPT quốc gia 2019. |
Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm.
“Việc chấm thi trắc nghiệm năm nay, theo quy trình kĩ thuật được tăng cường như hiện nay, không cho phép chỉnh sửa. Nếu người chấm thi có khâu nào sai trước đó, đều không thể quay lại chỉnh sửa mà phải được Bộ GD&ĐT cấp một mã để vào sửa.
"Với giải pháp kĩ thuật như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực, tuy nhiên, thực hiện nó là con người, do vậy phải lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện", Ông Trinh nhấn mạnh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây cũng là những lý do để Bộ không công bố đáp án ngay sau khi kết thúc công tác coi thi.
“Rút kinh nghiệm từ năm 2018, năm nay Bộ sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để công bố đáp án vừa phù hợp với tiến trình chấm thi môn trắc nghiệm, vừa có thời gian để xử lý những tình huồng bất ngờ liên quan đến khâu chấm thi”, đại diện Bộ Giáo dục cho hay.