Bài học từ Hiệp định Paris và giá trị vận dụng cho hiện tại
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, các bài học từ sự kiện lịch sử Hiệp định Paris cần được nghiên cứu thấu đáo và vận dụng phù hợp theo các hướng cụ thể sau:
Thứ nhất là kiên định quan điểm độc lập, tự chủ trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao.
Trong bối cảnh mới, trí tuệ của ngoại giao Việt Nam sẽ vận dụng, phát huy bài học về quan điểm độc lập, tự chủ của Hiệp định Paris trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao bằng việc nhận thức đúng về xu thế của thời đại, về cục diện thế giới và khu vực để có những định hướng sáng suốt, chính sách đúng đắn và kịp thời nhằm xử lý các vấn đề quốc tế phù hợp với lợi ích đất nước.
Cụ thể là: Tuyệt đối tin tưởng vào con đường cách mạng đúng đắn mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã lựa chọn, đồng thời giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước trong quá trình hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. Kiên quyết giữ vững và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hợp tác nhiều mặt với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các vấn đề tranh chấp đang tồn tại bằng biện pháp hòa bình. Nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia - dân tộc để đảm bảo nền độc lập, tự chủ bằng việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, khoa học và công nghệ, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh... của đất nước.
Thứ hai, giữ vững các nguyên tắc đối ngoại trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”
Trong thời gian gần 5 năm, trong các phiên họp chung, công khai tại Hội nghị Paris cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, lập trường nhất quán của ta là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, tinh thần “bất biến” thể hiện rõ nét trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng an ninh, đặc biệt là trong vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam cần tiếp tục kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trong các diễn đàn đa phương liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế về tính chính nghĩa của Việt Nam.
Thứ ba, giành thế chủ động trong đàm phán, kiên trì mục tiêu đấu tranh, tranh thủ dư luận, tập hợp lực lượng quốc tế và tác động vào nội bộ đối phương nhưng phải dựa vào sức mình là chính.
Theo PGS.TS Hoàng Thế Hiển, cuộc đàm phán Paris là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nền ngoại giao: Ngoại giao lâu năm, chuyên nghiệp trên thế mạnh của Mỹ và ngoại giao nhân văn nhưng còn non trẻ của Việt Nam. Bởi vậy, trong quá trình đàm phán, giữ được thế chủ động, kiên trì mục tiêu đề ra là mối quan tâm lớn của Đảng ta trong nghệ thuật đàm phán với Mỹ.
PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (Ảnh: Hải An). |
Một thành công lớn của cuộc đàm phán Paris là chúng ta đã quán triệt phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn cuộc đấu tranh với Mỹ tại bàn đàm phán với phong trào rộng lớn của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Ta đã đặt đúng yêu cầu và thực hiện cho được việc sử dụng đàm phán để tranh thủ dư luận thế giới, tập hợp lực lượng quốc tế và tác động đến nội bộ nước Mỹ, qua đó “góp phần mở rộng, tăng cường mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy lực lượng chủ hòa trong chính giới Mỹ và cổ vũ mạnh mẽ phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh”. Cùng với việc tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, chúng ta luôn xác định phải dựa vào sức mình là chính.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta đã và đang đứng trước những thời cơ, vận hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, cần nhận diện rõ và có những chiến lược hợp lý, tận dụng được những thời cơ, khắc chế nguy cơ nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong hội nhập và phát triển.
Cụ thể, trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông, ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, sâu xa hơn, để đảm bảo giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo đất nước, không còn sự lựa chọn nào khác cho dân tộc Viêt Nam là phải vươn lên thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế bằng việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nếu chúng ta không muốn mất đất, mất biển, mất trời. Mặt khác, xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển đảo vững mạnh về mọi mặt làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển, nghiên cứu biển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục và đào tạo về biển, đảo và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế chỉ thực sự trở thành sức mạnh vật chất khi có sự kết hợp với sức mạnh nội lực Việt Nam.
Thứ tư, kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, vận dụng phương thức “vừa đánh vừa đàm”
Vận dụng bài học này từ Hiệp định Paris, trong các cuộc đàm phán quốc tế song phương và đa phương, Việt Nam cần thể hiện vị thế trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục và cả quốc phòng, an ninh ... Chẳng hạn, trong các cuộc đàm phán thương mại song phương, khi có đối tác đưa ra các yêu sách phi lý về nhân quyền, về các vấn đề nội bộ, về nền kinh tế thị trường… bên cạnh việc kiên trì giải thích, thuyết phục, chúng ta cần chứng minh bằng các lý lẽ và các thành tựu cụ thể trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, về uy tín của đất nước trên trường quốc tế, về tính hội nhập và đặc điểm thị trường của nền kinh tế…
Trong bối cảnh mới, việc kết hợp chặt chẽ ngoại giao với kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng.... phối hợp nhịp nhàng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhân dân dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng và sự quản lý của Nhà nước sẽ “góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp của đất nước, kết hợp thành công sức mạnh của đất nước với sức mạnh của thời đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại được Đảng giao phó.
Thứ năm, tôn trọng các cam kết nhưng luôn cẩn trọng, nâng cao tinh thần cảnh giác để chủ động đối phó với mọi tình huống
Năm 2020, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, ta đã có quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục; hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam. Đây là một thành tựu quan trọng của việc thực hiện chính sách đối ngoại đổi mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia bình đẳng trong thương mại với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi những cách hiểu khác nhau, sự vận dụng khác nhau vào từng thời điểm, thậm chí có cả những âm mưu, thủ đoạn phá hoại. Do đó, bài học cảnh giác vẫn phải luôn được thực hiện một cách thường xuyên và triệt để.
Thứ sáu, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao đủ tâm, đủ tầm
Hội nghị Paris là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nền ngoại giao lão luyện của Mỹ - một trong hai siêu cường thế giới lúc đó. Góp phần quan trọng vào thắng lợi của việc ký Hiệp định Paris năm 1973 có vai trò của các nhà ngoại giao. Tên tuổi của các trưởng đoàn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ... đã đấu tranh kiên trì, kiên quyết và thắng lợi trước những nhà ngoại giao kỳ cựu nổi tiếng của Mỹ như Đại sứ A. Harriman, cố vấn đặc biệt Henry Kisinger... Sau này chính Henry Kisinger đã phải thừa nhận rằng: “khi họ (những nhà ngoại giao Việt Nam) đối diện với người đại diện của cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, họ tỏ ra tinh tế, kỷ luật và kiên nhẫn biết bao”.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, ngoại giao tiếp tục là một “mặt trận”, trong đó các cán bộ ngoại giao là những “người chiến sĩ”, góp phần tích cực trong việc xây dựng, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia - dân tộc trong nền chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực và toàn cầu. Do đó, cần tiếp tục coi trọng công tác cán bộ đối ngoại, nhất là cơ chế, chính sách và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại toàn diện về phẩm chất, trình độ và năng lực”, PGS.TS Hoàng Văn Hiển cho biết.