"Madam Bình"- "Hạnh phúc của đất nước sẽ là hạnh phúc của con em chúng ta”
Tản mạn về đối ngoại nhân dân Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam trao đổi sách quý với các nhà hoạt động vì hòa bình Mỹ Hồi ký Nguyễn Thị Bình được dịch sang tiếng Anh |
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trả lời báo chí tại Paris - Ảnh Tư liệu |
Chúng tôi tới gặp “người phụ nữ Việt Nam nhiều bạn bè nhất trên thế giới” vào một chiều thu Hà Nội. Ở tuổi 93, những hoài niệm về một thời tuổi trẻ vẫn còn in trong tâm trí.
Nói về khó khăn nhất để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao phó, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: Khó khăn thì không ít, nhiệm vụ được giao luôn cao hơn sức mình. Có lẽ nhiều đồng chí cũng như tôi, trong lúc đất nước đang sôi sục chiến đấu với kẻ thù, không thể từ chối bất kỳ việc gì mà kháng chiến, đất nước đang cần. Phải vừa làm vừa học, ngày hôm sau phải làm tốt hơn ngày hôm trước. Nhưng có một khó khăn mà tôi không vượt qua được, và tôi cho là một sự hy sinh của mình: đó là việc chăm sóc hai con tôi.
Từ hai tuổi chúng đã phải đi nhà trẻ, một tuần mới về nhà một lần, khi mẹ đi vắng có các cậu đưa đón, các cậu bận thì không được về. Khi các con tôi lớn hơn, tôi phải đi vắng hằng năm, phải gửi Thắng và Mai cho trường nội trú. Chiến tranh ác liệt, các cháu lại đi sơ tán với dì. Đi công tác xa, nghe bom đạn rơi gần chỗ con ở, tôi lo lắng đến thắt lòng, thương các con vô cùng. Đất nước bị chia cắt trong hơn hai mươi năm, tôi cảm thông sâu sắc với các anh, các chị phải xa con đằng đẵng, khiến chúng thiếu tình thương và sự dạy dỗ cần thiết. Chiến tranh, biết bao người phải hy sinh, còn có lựa chọn nào khác. Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng.
Ngày 27 tháng 01 năm 1973, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình thay mặt Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở hai miền Nam Bắc Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Không chỉ xa con, ngày ba mất, bà Nguyễn Thị Bình cũng đi công tác không thể có mặt. Bà vẫn nhớ năm 1969, ở Hội nghị Paris về nhận chỉ thị, bà rất đau buồn khi biết cha mình đã nằm viện mấy tháng, người gầy còm tiều tụy. Bà kể: Tôi ôm lấy ba, nước mắt giàn giụa “Ba ốm sao không cho con hay?” Ba trả lời: “ Chuyện ba ốm là chuyện nhỏ, việc con làm hiện nay quan trọng hơn”. Năm 1969, khi ba tôi mất, tôi không có mặt để đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Không được bên con khi chúng cần chăm sóc, giáo dục, không được bên cha lúc cha nhắm mắt xuôi tay, nhưng bà Nguyễn Thị Bình khẳng định : “Đời tôi, do công tác nên thường xa gia đình, nhưng những người thân yêu của tôi như bao giờ cũng luôn ở bên cạnh, gắn bó và là động lực trong mọi công việc của tôi. Cũng có thể nói tôi có một cuộc đời rất lạ: không thể tách ảnh hưởng và tình thương của gia đình trên mỗi bước đường nhiều nỗi gian truân của mình. Đó là sức mạnh và cũng là hạnh phúc của đời tôi”.
Bà Nguyễn Thị Bình trò chuyện với bạn bè Mỹ. Ảnh: TV |
“Hãy nhớ những bài học lịch sử quý giá của ông cha, đặt lợi ích chung lên trên, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, kiên trì theo con đường đã lựa chọn, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc của đất nước sẽ là hạnh phúc của con em chúng ta”, bà Nguyễn Thị Bình nhắn nhủ.