Ba trọng tâm của Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
Hội thảo được chủ trì bởi TS Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Hội thảo có sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học.
Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn". (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Kỷ nguyên mới - tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lại xuân Môn cho biết: Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây. Tư tưởng này đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định. Đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.
Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, còn mới mẻ cả về lý luận lẫn thực tiễn, cần nghiên cứu, luận giải thấu đáo, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
“Cuộc hội thảo hôm nay là hội thảo đầu tiên bàn về vấn đề quan trọng này, đặt cơ sở để chúng ta tiếp tục đi sâu nghiên cứu, bàn thảo làm sáng tỏ, sâu sắc, đầy đủ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, TS Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam được phát triển trên nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm các trụ cột: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, kỷ cương, lấy dân làm gốc; dân tộc đoàn kết, thông thái, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, nền văn hóa đặc sắc; quốc phòng, an ninh hiện đại, vững mạnh, nền ngoại giao mở rộng; hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả...
Hội thảo đã nhận được 51 bài tham luận và 12 ý kiến phát biểu tại Hội thảo, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Các ý kiến đều khẳng định những định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm là những định hướng chiến lược được hình thành trên những cơ sở khoa học vững chắc, có sức thuyết phục, dẫn dắt cao.
Ba vấn đề trọng tâm
Kết luận Hội thảo, TS Lại Xuân Môn nhấn mạnh ba vấn đề trọng tâm được đưa ra từ các tham luận:
Thứ nhất, nhận thức về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Đây là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đích cuối cùng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao".
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, thời điểm Việt Nam hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế nâng lên rõ rệt; dư địa và không gian phát triển của Việt Nam còn nhiều lợi thế và sức mạnh.
TS Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Thứ hai, bước vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Sau gần 95 năm tiến hành công cuộc giải phóng, xây dựng đất nước, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra những bước phát triển đột phá kỳ diệu, những kỷ nguyên vẻ vang: kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025) và kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, khởi đầu bằng Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau; kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng.
Thứ ba, các ý kiến tham luận đề cập đến yêu cầu triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp để tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực, cụ thể là:
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Theo đó, cần thống nhất nhận thức, thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, không bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng, bảo đảm nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.
Tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, không bỏ lỡ thời cơ phát triển. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; cải cách triệt để thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số.
Tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường, tự chịu trách nhiệm của các địa phương.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích chung. Chú trọng rà soát, bồi dưỡng, thử thách, sàng lọc đối với nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, nhất là nhân sự Ban chất hành Trung ương Đảng khóa XIV theo hướng tinh gọn, thực đức, thực tài, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phát triển kinh tế và cách mạng chuyển đổi số: Cần đột phá về thể chế, tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực trong và ngoài nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, lực lượng sản xuất số gắn với quan hệ sản xuất số, đẩy mạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số là đòn bẩy để phát triển vượt bậc, xây dựng phương thức sản xuất mới phù hợp kinh tế tri thức và xã hội số. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu về chính phủ số, kinh tế số, đứng thứ 3 trong ASEAN.
Chống lãng phí: Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
TS Lại Xuân Môn khẳng định, dù là cuộc hội thảo mở đầu nhưng những kết quả thu được đã đặt cơ sở khoa học để tiếp tục đi sâu nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về kỷ nguyên mới. Ông kêu gọi phải vào cuộc tích cực, quyết liệt ngay từ bây giờ, tạo những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, về hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà nòng cốt là toàn hệ thống chính trị, để đến Đại hội XIV của Đảng, Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.