ASEAN chia sẻ giải pháp phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19
ASEAN cùng nhau giải quyết thách thức
Sáng 30/3, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 27 đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại nước Chủ tịch ASEAN năm 2022, Campuchia, và trực tuyến tại các nước thành viên ASEAN.
Đây là sự kiện quan trọng và là cuộc họp đầu tiên trong năm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Các Bộ trưởng, thành viên của Hội đồng Cộng đồng sẽ trao đổi về những ưu tiên, các văn kiện đề xuất xây dựng để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 thông qua/ghi nhận; chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần quan tâm và định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng/Trưởng đoàn của các nước ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, Tổng Thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại nước Chủ tịch ASEAN năm 2022, Campuchia, và trực tuyến tại các nước thành viên ASEAN. Ảnh: Giáp Tống |
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng chúc mừng Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Campuchia trên vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN 2022.
Các Bộ trưởng đánh giá cao những ưu tiên và nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội trong việc gắn kết con người với con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững và không bỏ ai ở lại phía sau. Các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ngày càng thực chất, bám sát vào ưu tiên của quốc tế, khu vực và quốc gia thông qua các sáng kiến được thực hiện trong Kế hoạch Tổng thể Văn hóa Phòng ngừa, Khung khổ phục hồi toàn diện ASEAN hay Chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại dịch Covid-19 đã để lại những hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, kể cả khu vực ASEAN cũng như toàn thế giới. Những thách thức này đòi hỏi Chính phủ các nước và cả khu vực phải cùng nhau ứng phó với các giải pháp thích ứng với tình hình mới nhằm đem lại sự ổn định của nền kinh tế, ổn định xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Cùng với các Bộ trưởng các nước ASEAN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ủng hộ chủ đề Campuchia đã lựa chọn “ASEAN Hành động: cùng nhau giải quyết các thách thức” cùng một loạt các sáng kiến Campuchia đưa ra trong năm nay, đặc biệt trong lĩnh vực thanh niên, thể thao, lao động và tăng cường khả năng kinh doanh cho phụ nữ.
“Chủ đề này chính là sự tiếp nối những hành động và cam kết của ASEAN trong những năm qua để đối phó với các thách thức mới nổi của dịch bệnh, xã hội già hóa, biến đổi khí hậu và kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0, thể hiện sự đoàn kết của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị đang có những diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Việt Nam đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt khó
Trong phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng, Chính phủ Việt Nạm đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và cũng mở rộng chính sách cho cả những đối tượng đặc thù như lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và các nhóm đối tượng mà trong đó phụ nữ chiếm đa số như lao động tự do, hộ kinh doanh, viên chức hoạt động nghệ thuật.
Việt Nam đã chuyển chiến lược phòng chống dịch từ “zero Covid” (không có ca nhiễm) sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch, giúp duy trì các hoạt động kinh tế. Trong khi biến thể Delta và mới nhất là Omicron khiến nhiều nước chao đảo, Việt Nam vẫn lọt vào danh sách số ít quốc gia duy trì được mức tăng trưởng dương trên 2% trong năm 2021, thu hút hơn 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng gần 500 triệu USD so với năm 2020.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Giáp Tống |
Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra các hỗ trợ chưa từng có cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời thực hiện các điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm đạt được mục tiêu kép là phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược “đi sau-về trước” với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Tính đến hết ngày 11/3/2022, Việt Nam đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 81,14% dân số được tiêm bao phủ ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19.
“Hiện Việt Nam đang chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Những nỗ lực này của Chính phủ đã giúp người dân Việt Nam nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường, tập trung phát triển kinh tế, mở cửa du lịch và mở cửa lại trường học”, Bộ trưởng Dung thông tin.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể thao trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN và ủng hộ việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát huy vai trò của thể thao trong xây dựng cộng đồng ASEAN và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; và Tuyên bố ASEAN về củng cố bản sắc ASEAN thông qua bảo vệ các môn thể thao và trò chơi truyền thống trong thế giới hiện đại. Phát biểu về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam là nước đăng cai tổ chức SEA GAMES lần thứ 31 - hoạt động thể thao lớn nhất của khu vực và càng ý nghĩa hơn trong năm Thanh niên ASEAN này. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ được đón tiếp các đoàn đại biểu của các nước đến Việt Nam trong thời gian tới để tăng cường giao lưu, thúc đẩy hơn nữa tình đoàn kết, gắn kết giữa các Quốc gia thành viên qua hoạt động thể thao này. |