Ấn Độ - Việt Nam "bắt tay" phát triển công nghệ thông tin, truyền thông
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, COVID-19 đã khiến thế giới rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Cũng chính thời điểm khó khăn này đã nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thiếu của kết nối số, của phát triển và hợp tác trong lĩnh vực ICT và chuyển đổi số trên toàn thế giới.
“ICT và công nghệ số hiện nay đóng vai trò quyết định đối với sự tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo và cơ hội việc làm”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Sinh viên trong giờ học công nghệ thông tin. (Ảnh minh họa: Thanh Hà/TTXVN) |
Tại Việt Nam, chính sự thúc đẩy việc phát triển ICT và công nghệ số một cách kịp thời đã góp phần quan trọng giúp đất nước vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,5% trong quý I năm nay.
Việt Nam quyết tâm phát triển kinh tế số và áp dụng công nghệ số rộng rãi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, áp dụng các công nghệ mới để cung cấp các dịch vụ mới cho người dân, hoạch định các chính sách về dữ liệu mở, triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số một cách toàn diện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thông tin tại Hội thảo trực tuyến về Hợp tác ICT giữa Ấn Độ và Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra mới đây, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho hay, cả hai nước Việt Nam và Ấn Độ đều đặc biệt quan tâm và nhận định tầm quan trọng của ICT trong phát triển đất nước, phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Hai nước đã hoạch định những tầm nhìn tham vọng đối với lĩnh vực ICT và công nghiệp 4.0, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển hợp tác cho doanh nghiệp ICT Việt Nam và Ấn Độ.
Đại sứ Pranay Verma cho biết, sự hợp tác trong lĩnh vực ICT giữa Việt Nam và Ấn Độ sắp tới sẽ tập trung vào lĩnh vực mà hai nước có nhiều tiềm năng như: Thương mại điện tử, Fintech, đô thị thông minh, đặc biệt là hoạt động ứng dụng CNTT vào lĩnh vực y tế.
Nhấn mạnh vai trò hợp tác, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia cũng như các lĩnh vực trong cuộc sống. Hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã và đang trải qua những đợt bùng phát đại dịch phức tạp. Chỉ khi hợp tác, đoàn kêt, làm việc cùng nhau, các bên mới có thể vượt qua đại dịch.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga: Chỉ khi hợp tác, đoàn kêt, làm việc cùng nhau, các bên mới có thể vượt qua đại dịch. Ảnh: Tuấn Việt |
Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, Việt Nam đã áp dụng thành công các biện pháp nhanh chóng và quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong đó có việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ thông tin. Việc tổ chức buổi gặp gỡ, tiếp xúc đôi bên là cơ hội để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về cách sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác của Ấn Độ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa và thiết thực hơn nữa góp phần thúc đẩy và nâng cao quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước trong thời gian tới.
Việt Nam quyết tâm phát triển kinh tế số và áp dụng công nghệ số rộng rãi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số đến năm 2025. Theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Việt Nam cũng tập trung phát triển các nền tảng số, áp dụng các công nghệ mới để cung cấp các dịch vụ mới cho người dân, hoạch định các chính sách về dữ liệu mở, triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số một cách toàn diện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam sẽ xây dựng các đô thị thông minh với các mạng 5G tại các khu vực kinh tế chủ chốt của đất nước. Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành điểm đến của các doanh nghiệp ICT khu vực và quốc tế. Việt Nam đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất thông minh, IoT, AI, dữ liệu lớn, blockchain, Thực tế ảo, an toàn thông tin, Fintech, In 3D, hệ sinh thái 5G, đô thị thông minh. |
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”