Abe Shinzo - "cánh chim" vĩ đại không ngừng nghỉ, bền bỉ nâng tầm vị thế nước Nhật
Cộng đồng người Việt đứng thứ hai tại Nhật Bản là nhờ công lớn của Cựu Thủ tướng Abe Shinzo Cựu Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản Trần Ngọc Phúc đã có những chia sẻ những tình cảm dành cho Cựu Thủ tướng Abe Shinzo, đồng thời bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của ông. Theo Cựu Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản nếu không có người lãnh đạo như Cựu Thủ tướng Abe Shinzo thì mối quan hệ hợp tác Nhật - Việt như hiện nay rất khó thực hiện. |
Mở sổ tang tưởng niệm cố Thủ tướng Abe Shinzo tại Việt Nam từ ngày 11-12/7 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ mở sổ tang tưởng niệm cố Thủ tướng Abe Shinzo từ 9h đến 17h15 trong hai ngày 11 và 12/7. |
Hôm 8/7 là ngày khiến cả thế giới bàng hoàng. Tại Nhật Bản - một nước tương đối an ninh, có luật lệ nghiêm cấm cá nhân sử dụng súng - đã xảy ra sự kiện: Cự thủ tướng Abe Shintaro, một chính khách kiệt xuất đã phải chết oan uổng do bị ám sát, gây tiếc thương cho bao người.
Theo điều tra sơ bộ, thủ phạm không thù oán, không bất bình gì với lập trường chính trị của ông Abe. Thủ phạm chỉ bất mãn vì ông có quan hệ với một đoàn thể mà hắn ta ghét. Cơ quan điều tra chưa tiết lộ đó là đoàn thể nào. Chính khách Nhật thì muốn gần gũi với quần chúng, nhất là khi diễn thuyết trong mùa bầu cử, nên việc phòng vệ thiếu nghiêm ngặt. Đó là những nguyên nhân gây ra bi kịch.
Abe Shinzo (1954-2022) là con trai của cố Ngoại trưởng Abe Shintaro (1924-1991) và là cháu ngoại của cố thủ tướng Kishi Nobusuke (1896-1987). Sau một thời gian làm việc tại một công ty thép rồi làm thư ký cho cha mình, ông chính thức bước vào chính trường khi trúng cử dân biểu Hạ viện vào năm 1993.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo (Ảnh: Internet). |
Từ khoảng năm 2000, Abe Shinzo bắt đầu bộc lộ những tố chất của một lãnh đạo chính trị, được dư luận kỳ vọng sẽ là thủ tướng trong giai đoạn tới. Ông còn được Thủ tướng Koizumi Junichiro bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng như Tổng thư ký Đảng Tự do Dân chủ và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ở tuổi còn rất trẻ.
Abe Shinzo đã làm thủ tướng hai lần, lần đầu từ tháng 9/2006-8/2007 và lần thứ hai từ tháng 12/2012-9/2020. Ông là thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Trong thời kỳ làm thủ tướng lần thứ hai, gần 8 năm, Abe để lại dấu ấn lớn cả đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, chính sách kinh tế Abe (Abenomics) gồm 3 mũi tên đã làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế: Nhờ mũi tên thứ nhất (nới lỏng tiền tệ) và thứ hai (chính sách tài chánh linh hoạt), tỉ suất quá cao của đồng yen được điều chỉnh, giá chứng khoán tăng hơn gấp đôi, lợi nhuận doanh nghiệp tăng, công ăn việc làm tăng đáng kể. Mũi tên thứ ba (cải cách phương thức làm việc, giảm thuế để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, đẩy nhanh quá trình ký kết các hiệp định thương mại để vừa hội nhập sâu hơn vừa cải cách thể chế trong nước) thì còn cần thêm thời gian mới thấy kết quả cụ thể.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Abe đã làm cho vị thế và uy tín của Nhật Bản tăng cao chưa từng thấy trong vài chục năm nay. Abe là người đầu tiên đưa ra khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương trên mặt trận ngoại giao và đề xướng hình thành thể chế hợp tác chiến lược trong khu vực này để sau đó Bộ Tứ (QUAD tức Thể chế hợp tác an ninh ngoại giao của 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) và Chiến lược Ấn Độ Thái bình dương tự do và rộng mở (FOIP) ra đời.
Sau khi Mỹ rút lui khỏi khuôn khổ Hợp tác Xuyên Thái bình dương (TPP), Abe đã chỉ đạo chính phủ Nhật nỗ lực kêu gọi 10 nước còn lại hướng đến thỏa hiệp cho TPP gồm 11 nước và TPP-11 hay CPTPP đã được đồng thuận tại Việt Nam cuối năm 2017. Dưới thời Abe, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế Nhật EU cũng được ký kết.
Bức ảnh được chụp ngày 6/6/2017: Giáo sư Trần Văn Thọ (hàng đầu, chính giữa) chụp chung với cựu Thủ tướng Abe Shinzo trong buổi chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo. (Nguồn ảnh: FB của tác giả). |
Về mặt ngoại giao, ấn tượng mạnh của tôi đối với Thủ tướng Abe là sự kiên trì vì lợi ích của Nhật Bản nhưng rất mềm mỏng, sáng tạo và có nghệ thuật diễn xuất gây thân thiện đối với người nước ngoài. Tại buổi diễn thuyết ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ năm 2015, Abe nhấn mạnh “Đồng minh Nhật - Mỹ là đồng minh của hy vọng” (cho tương lai hai nước) và với cách diễn đạt dí dỏm đầy thuyết phục liên tiếp nhận được nhiều tràng vỗ tay từ hội trường.
Nhớ lại thời Nhật Bản cạnh tranh với các nước để Olympic năm 2020 tổ chức tại Tokyo. Cuối cùng còn lại Tokyo, Istanbul và Madrid tranh nhau ở vòng chót. Trong lúc đó có chuyến thăm của Abe đến Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 5/2013). Tại cuộc gặp với đông đảo người dân nước chủ nhà, Abe đã phát biểu đại khái như sau: “Nếu cuối cùng mà Istanbul thắng, cả dân Nhật chúng tôi sẽ giơ hai tay hoan nghênh và hợp tác với các bạn. Nhưng nếu Tokyo thắng thì cũng xin các bạn chia vui và hợp tác với chúng tôi nhé”. Ngay sau câu nói đó, cả hội trường vỗ tay.
Abe là người sớm cảnh giác sự trỗi dậy và mưu đồ bá chủ thế giới của Trung Quốc nên đã thúc đẩy ký kết TPP-11 và đề xướng Chiến lược Ấn Độ Thái bình dương để kéo Ấn Độ về phía Nhật, Mỹ và Úc. Cuối năm ngoái, trong một hội nghị trực tuyến với một tổ chức tại Đài Loan, Abe cho rằng “Hữu sự ở Đài Loan là hữu sự ở Nhật Bản và là hữu sự của đồng minh Nhật Mỹ” (hữu sự có ý là khi Đài Loan bị xâm lược). Câu nói của Abe nhằm kiềm chế, cảnh cáo Tập Cận Bình và để làm yên lòng Đài Loan, tỏ sự liên đới với Đài Loan.
Hôm được tin Abe mất, Đài Loan đã viết lời ai điếu trên tòa nhà cao nhất tại Đài Bắc với 4 chữ “Cảm tạ Abe”. Thủ tướng Mody của Ấn Độ trong phát biểu đã nói nước của ông sẽ để tang cho Abe trong cả ngày 9/7. Abe Shinzo từng nói đại ý là “những việc làm vì dân vì nước mà có bị ai phê phán thì vẫn cố thực hiện”. Trên trường quốc tế, ông cũng là người cổ xúy những giá trị phổ quát của nhân loại. Abe Shinzo mất đi để lại tiếc thương không chỉ cho người Nhật mà đông đảo bạn bè năm châu.
Giáo sư Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, năm 1967 sang Nhật Bản du học. Giáo sư Trần Văn Thọ lấy bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ông thuộc nhóm người nước ngoài đầu tiên được mời làm việc trong Hội đồng tư vấn kinh tế nhiều đời của Thủ tướng Nhật Bản. Ông cũng từng làm cố vấn cho nhiều cơ quan của chính phủ Nhật Bản và là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trước đó, ông tham gia tổ tư vấn cải cách kinh tế và hành chính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cộng tác với ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông là nhà nghiên cứu và có nhiều đóng góp về tư duy kinh tế cho Việt Nam. Ông có tham gia cộng tác trong các tổ tư vấn kinh tế cho Chính phủ Việt Nam. Thời gian gần đây, ông còn có nhiều đóng góp về cho lĩnh vực giáo dục Việt Nam dựa vào các kinh nghiệm nghiên cứu ở Nhật Bản. Nhiều tác phẩm xuất bản bằng tiếng Nhật và tiếng Việt của ông về kinh tế châu Á, Nhật Bản và Việt Nam đã được dư luận đón nhận khác nồng nhiệt. Hiện nay, ông là giáo sư danh dự tại trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản. |
(Tít bài do Toà soạn đặt).
Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự, Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản)