9 giải pháp trọng tâm thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
Phiên họp sáng nay dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Trước khi các đại biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Quốc hội thảo luận về mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
Theo báo cáo, công tác bình đẳng giới nhìn chung đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, dần trở thành nội dung xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa- xã hội với nhiều thành tựu nổi bật được quốc tế đánh giá, ghi nhận.
Công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện với số lượng các dự án luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tăng dần qua từng năm. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay có 10 luật được các cơ quan chức năng thực hiện thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tổng số 15 luật được thông qua.
Báo cáo nêu rõ, 2 khóa Quốc hội (XII và XIII) tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội liên tục giảm, đến khóa XIV là 26,72%, tăng 2,62% so với nhiệm kỳ trước.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, có xu hướng tăng, tuy nhiên có tới 98% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ chiếm 71,7%, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lại chiếm 28,3%.
Bên cạnh đó, theo văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và các chức danh lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo, trong đó có quy định cán bộ nữ được kéo dài tuổi công tác theo quy định, thời điểm tính độ tuổi quy hoạch như nam giới, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần tích cực vào việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, các công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như kiểm tra thực hiện pháp luật về về bình đẳng giới cũng được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương đã thực hiện sáp nhập, tổ chức lại bộ phận giúp việc cơ quan thường trực bình đẳng giới. Cả nước hiện có 1.089 cán bộ tham mưu làm công tác bình đẳng giới (thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội). Hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới được đẩy mạnh.
Triển khai 9 giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn. Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2020, đến nay có 8 chỉ tiêu đã đạt và sẽ duy trì đạt vào năm 2020, 2 chỉ tiêu không đạt, một số chỉ tiêu đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu.
Nhiều vấn đề nảy sinh có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ, trẻ em gái trong đời sống, việc làm, an sinh xã hội, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong xã hội... Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới.
Chính phủ đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và bản thân người phụ nữ. Xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, các mô hình về bình đẳng giới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định về bình đẳng giới. Cần phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi các chỉ tiêu về bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị và địa phương không đạt được.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 24/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; triển khai nội dung công tác bình đẳng giới theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và về công tác dân số trong tình hình mới; chỉ đạo Tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội cho trình dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) vào năm 2019, trong đó bổ sung, sửa đổi những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.
Thứ tư, thực hiện rà soát, sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn 2015 - 2020 và Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển trong nước, quốc tế, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới. Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ với kinh tế, tập trung 03 nội dung cơ bản là: đẩy mạnh bình đẳng giới vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đổi mới và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.
Thứ sáu, cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt
Thứ bảy, Chính phủ triển khai xây dựng, triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình, Đề án tập trung giải quyết một số vấn đề lớn, gây bức xúc trong xã hội như: Việc làm, lao động sau tuổi 35 tại các doanh nghiệp, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em gái, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, vấn đề phát triển cán bộ nữ dân tộc thiểu số, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Nghiên cứu, phát triển các mô hình tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó tập trung tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Tiếp tục nghiên cứu, củng cố và phát triển các dịch vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành, bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại.
Thứ tám, quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới. Ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tự trau dồi, nâng cao trình độ và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao quyền năng của phụ nữ nói chung và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, các cơ quan dân cử nói riêng; đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ trong việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.
Thứ chín, tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
M.Duy