6 điểm mấu chốt của tiến trình đàm phán Brexit
Brexit hứa hẹn sẽ là tiến trình đàm phán phức tạp nhất trong lịch sử, với khoảng 700 vấn đề chồng chéo về hành chính cần phải thảo luận. Theo tờ The Guardian, ngoại trừ lĩnh vực pháp luật, có 6 điểm chính trong tiến trình đàm phán sau khi Anh chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để rời EU.
1. Thời gian đàm phán
Bộ trưởng Anh về Brexit, ông David Davis
Hiện, cả Anh và EU chưa thống nhất được nội dung chương trình đàm phán như thế nào. Các nhà đàm phán của EU từng nhấn mạnh rằng họ chỉ có thể ưu tiên giải quyết trước những điều kiện mà Anh đưa ra, chứ không phải tình hình tương lai.
Ngược lại, người Anh muốn thảo luận về thương mại song song với các cuộc đàm phán về việc rời khỏi EU. London thích bàn bạc về tất cả các vấn đề cùng lúc, với lo ngại rằng họ sẽ bị yếu thế nếu chỉ đàm phán về tiền bạc.
Về mặt pháp lý, yêu cầu của Anh là phù hợp với tinh thần của Hiệp ước Lisbon. Tuy nhiên, các nghị sĩ châu Âu khẳng định điều này là không thể thực hiện, đặc biệt là khi đàm phán thương mại sẽ tốn thời gian hơn nhiều so với thời hạn phê chuẩn Brexit là vào khoảng 2 năm tới.
Nếu không có sự đồng thuận, tiến trình đàm phán sẽ bị đình trệ. London đang kỳ vọng được chính phủ các nước thành viên EU khác hỗ trợ để phá vỡ tình trạng bế tắc hiện nay.
2. Vướng mắc tài chính
Cho đến nay, yêu cầu từ phía EU vẫn chưa rõ ràng. Trong một cuộc trao đổi không chính thức tại Brussels (Bỉ) mới đây, khối này đòi Anh chi trả khoảng 60 tỷ euro để giải quyết tất cả các cam kết tài chính của mình.
Trong khi đó, nghị sĩ đảng bảo thủ Peter Bone cho rằng EU thực sự đang nợ Anh 184 tỷ bảng (hơn 211 tỷ euro), toàn bộ số tiền đóng góp ròng của London từ khi gia nhập EU năm 1973. Thủ tướng Anh Theresa May đã miễn cưỡng bác bỏ con số này.
Khi được hỏi hồi tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã xác nhận về yêu cầu 60 tỷ euro đối với Anh. Bộ trưởng Anh về Brexit, ông David Davis, cũng thừa nhận rằng nước này sẽ phải bồi thường một khoản chưa rõ.
Tùy theo nguyên tắc kế toán được áp dụng, bỏ qua những bất đồng về các khoản trợ cấp, nhà cửa và thậm chí là tài sản của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), số tiền mà Anh phải trả cho EU sẽ rơi vào khoảng 0 - 60 tỷ euro.
3. Quyền công dân
Người Anh nhập cư vào Đức phản đối Brexit. (Ảnh: Getty Images)
Theo chuyên gia đàm phán chính của EU về Brexit, ông Michel Barnier, một vấn đề cần phải giải quyết trước nhất là số phận của các công dân Anh đang sinh sống tại những nước EU và công dân EU sống tại Anh. Thống kê cho thấy có tới 4 triệu người nằm trong nhóm đối tượng này.
Nếu London từ chối đảm bảo quyền cư trú của công dân EU tại Anh trước khi nhận được đảm bảo tương tự về quyền của công dân Anh ở các nước EU, đàm phán có thể sẽ đổ bể. Khi đó, hành động của London sẽ bị coi như việc giữ người nước ngoài làm con tin.
Nhiều quan chức cho rằng đây là một trong những vấn đề dễ giải quyết. Số công dân Anh ở các nước EU ít hơn so với số công dân EU tại Anh, và châu Âu có thể sẽ phải nhượng bộ.
Về phần mình, vì lý do kinh tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy London cần phải cho phép công dân nước ngoài nhập cư liên tục. Một số vấn đề như quyền chăm sóc sức khỏe sẽ khó được thống nhất, nhưng quá trình đàm phán về quyền công dân vẫn được cho là sẽ diễn ra thuận lợi.
4. Vấn đề biên giới
Vấn đề kiểm soát biên giới, đặc biệt là phần biên giới đất liền giữa Anh với Bắc Ailen, là một trong những thử thách thực sự đối với các nhà đàm phán - The Guardian nhận định.
Cả chính phủ Anh và Ireland đều mạnh mẽ tuyên bố rằng họ không muốn có bất kỳ một biện pháp kiểm soát biên giới nào gây nguy hiểm cho tiến trình hòa bình ở Bắc Ailen. Barnier và giới chức EU cũng chấp thuận điều này.
Tuy vậy, rắc rối nằm ở chỗ: khi Anh rời khỏi EU, nằm ngoài thị trường chung và liên minh thuế quan của khối - điều Thủ tướng May nhấn mạnh là không thể tránh khỏi - thì phần biên giới đất liền nói trên còn có ý nghĩa không thể bỏ qua về kinh tế, pháp lý.
Một số người hy vọng rằng các giải pháp công nghệ sẽ được áp dụng để hỗ trợ việc kiểm soát biên giới Anh - Bắc Ailen. Hai phương án còn lại là đối xử với Bắc Ailen như thể nó vẫn thuộc EU, hoặc coi nó như một phần Vương quốc Anh, đều khó đạt được hiệu quả.
5. Thương mại
Một siêu thị tại Anh
Những nghi vấn về hải quan, nhập cư và biên giới là lý do khiến Anh muốn xem xét quan hệ tương lai với EU cùng lúc với việc rời khỏi khối. Tuy nhiên, thương mại mới là lĩnh vực mà nhiều người lo ngại nhất trong tiến trình đàm phán.
Đối với hầu hết người dân châu Âu, vấn đề rất đơn giản: vì sự đoàn kết thống nhất của liên minh, điều quan trọng nhất là nguyên tắc không có lối đi tắt vào một thị trường đơn lẻ nào mà không cho phép người dân tự do đi lại.
Vì thế, tại sao họ nên cho phép Anh tiếp cận thị trường của các nước EU tương tự như hiện nay, trong khi London sắp tới sẽ không tuân thủ quy tắc chính trị - xã hội cơ bản nhất của một thành viên trong khối?
Yêu cầu của Anh về những chính sách đặc biệt đối với các ngành công nghiệp được đánh giá cao, như dịch vụ tài chính và sản xuất ô tô, bị coi là thiếu hợp lý. Theo các nước EU, nó đã vi phạm một cách thô bạo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các hiệp định thương mại tự do toàn diện.
Một ý tưởng khác của London là hình thành liên minh thuế quan giữa 2 bên, cho phép tự do tiếp cận thị trường cũng như tự do thương lượng các hợp đồng thương mại độc lập. Ý kiến này cũng không được ủng hộ và sẽ làm chậm tiến trình đàm phán.
6. Quá trình phê chuẩn
Trừ khi tiến trình đàm phán thất bại hoàn toàn và Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận duy nhất, tất cả các điều khoản đạt được giữa 2 bên phải được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu và Quốc hội Anh.
Thủ tướng May đã thành công trong việc thuyết phục các nghị sĩ Anh bỏ phiếu thông qua các thỏa thuận sắp tới. Với đường lối cứng rắn, ông Barnier cũng nhận được sự ủng hộ tương tự từ Nghị viện châu Âu.
Tuy nhiên, tất cả đều phải đạt đủ đa số phiếu ủng hộ theo quy định, tại Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu. Vì thế, nếu có sự phản đối bất ngờ từ một số quốc gia thành viên EU nào đó, các thỏa thuận có thể bị đình chỉ vào phút chót.
Theo quy định của EU, bất cứ mọi thỏa thuận của khối đều được coi là có tầm ảnh hưởng tới mọi thể chế quốc gia cũng như khu vực. Việc đảm bảo sự ủng hộ của mọi quốc hội thành viên EU sẽ là trở ngại lớn đối với Anh, nhất là khi nước này kỳ vọng vào các thỏa thuận thương mại có lợi.
Hồng Anh