50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019: "Thừa" Nguyễn Ngọc Tư, thiếu Ngô Thanh Vân
Danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất 2019 do Forbes bình chọn (Ảnh: Forbes).
Mới vào quý 1 của năm 2019 nhưng Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Có thể thấy, danh sách Forbes Việt Nam được công bố dựa trên quá trình hoạt động của những nhân vật được vinh danh trong năm 2018 trên mọi lĩnh vực từ chính trị đến đời sống xã hội.
Năm nay, Forbes bình chọn các nhân vật có sức ảnh hưởng ở 8 lĩnh vực, bao gồm: chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao.
Chia sẻ trên Fobes, ông Võ Quốc Khánh (Thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam) cho biết: "Điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trong danh sách năm 2019 là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời hiện đại".
Cũng theo tờ Forbes thì top 50 nhân vật nữ có ảnh hưởng sẽ ưu tiên các nhân vật ở lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Cụ thể, Forbes Việt Nam xếp hạng nhân vật dựa vào các tiêu chí về ảnh hưởng tài chính, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực.
Ngoài các nhân vật kì cựu và có tầm ảnh hưởng lớn ở mảng kinh tế như bà Nguyễn Thị Phương Thảo (TGĐ Vietjet Air, Chủ tịch thường trực HD Bank), bà Mai Kiều Liên (TGĐ Vinamilk) thì Forbes cũng giới thiệu những gương mặt ấn tượng khác ở các lĩnh vực như giáo dục, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao.
Nhìn lại danh sách các nhân vật được bình chọn là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, hạng mục Truyền thông - Sáng tạo có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nổi tiếng với tác phẩm "Cánh đồng bất tận" (xuất bản năm 2006, đã được chuyển thể thành phim cùng tên), Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nữ hiếm hoi trên văn đàn có màu sắc văn chương để lại ấn tượng sâu sắc với độc giả.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và giải thưởng Litprom (Đức) cho tác phẩm "Cánh đồng bất tận" (Ảnh: VTV)
Năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận được một giải thưởng Litprom ở Đức với "Cánh đồng bất tận", thế nhưng bản chất của giải thưởng này không thể gọi là thắng lớn khi quy mô giải thưởng chỉ ở dạng... ao làng.
Cụ thể, trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động, nhà văn Đoàn Minh Phượng cho biết tỉ mỉ: "Litprom là giải văn học dành cho các nước châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, được thành lập tại Đức vào năm 1980, năm mà các châu lục này được xem là nghèo và chậm tiến. Giải thưởng được tài trợ bởi các tổ chức nhân đạo và viện trợ phát triển. Mục đích của họ hẳn nhiên là tốt nhưng kém tế nhị. Nhà văn, bất kể từ đâu, không bao giờ nên được trao tiền thưởng từ những tổ chức từ thiện với một cái tên như "Bánh mì cho thế giới". Họ còn kém tế nhị hơn khi viết trên website của họ là nhà văn nhận được tài trợ của hãng trà sức khỏe YOGI TEA (viết hoa toàn bộ). Giải thưởng này vô hại cho sức khỏe. Nhưng vị của nó không hay lắm, đừng quen miệng nói "thắng lớn" khi viết về nó. Tốt nhất là đừng viết về nó".
Sau khi giải thưởng này được "lột trần" về quy mô và chất lượng giải thưởng, công chúng tự bẽ bàng với chính mình về thói sính ngoại và luôn mặc định giải thưởng quốc tế là danh giá và cao cấp. Theo tiêu chí bình chọn của Forbes thì tiêu chí đối với những người làm nghệ thuật, ảnh hưởng đánh giá từ các giải thưởng và công nhận quốc tế, tuy nhiên, nếu lấy giải thưởng Litprom làm thước đo để bình chọn sức ảnh hưởng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong năm 2018, lấy đó làm căn cứ để vinh danh thì e rằng Forbes đã "tự làm khó mình" với công chúng, dù rằng Nguyễn Ngọc Tư không cần giải thưởng Litprom "ao làng" kia thì vẫn là một cái tên có sức ảnh hưởng tới cộng đồng văn học.
Ngoài cái tên Nguyễn Ngọc Tư lọt vào danh sách "Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019", giới mộ điệu càng bất ngờ khi nữ diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vắng mặt ở hạng mục Truyền Thông - Sáng tạo.
Ngô Thanh Vân vắng tên trong danh sách phụ nữ có ảnh hưởng dù sức nóng của "Cô Ba Sài Gòn" nhận được nhiều giải thưởng và được cử đi tranh giải Oscar 2018(Ảnh: Vietnamnet).
Đặt lên bàn cân cùng hạng mục, diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh (nhân vật được Forbes vinh danh) và diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân với hai tác phẩm cùng đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế là "Đảo của dân ngụ cư" và "Cô Bà Sài Gòn" thật khó có thể nói ai xứng đáng hơn ai bởi "kẻ tám lạng, người nửa cân".
Trong năm 2018, Ngô Thanh Vân thừa thắng xông lên sau "Cô Ba Sài Gòn" để thực hiện bộ phim "Hai Phượng" đang nổi đình đám cả rạp chiếu trong nước và đang được chiếu tại nhiều cụm rạp ở Mỹ với những phản hồi tích cực về nội dung phim.
Hoạt động không ngừng nghỉ và bền bỉ từ khi tham gia nghệ thuật, Ngô Thanh Vân không chỉ là một cái tên có sức ảnh hưởng ở làng điện ảnh Việt Nam và còn có sức ảnh hưởng ở thị trường quốc tế với tên gọi Veronica Ngo. Không hiểu vì lí do gì mà Forbes lại "bỏ quên" người phụ nữ tài năng xuất chúng này trong cuộc bình chọn "Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019"?
Ngoài việc để người thừa, kẻ thiếu trong danh sách thì Forbes công bố hạng mục Khoa học - Giáo dục còn sơ sài. Các nhân vật được bình chọn là người có ảnh hưởng nhưng chưa được công chúng biết đến tên tuổi.Thay vì liệt kê danh sách các nhân vật chung chung, Forbes nên bổ sung các công trình khoa học hoặc lý do cụ thể mà nhân vật đó được vinh danh tại phần công bố danh sách trên truyền thông. Chỉ có như vậy thì người được vinh danh cũng tự hào và công chúngcó thể thỏa mãn về câu hỏi "Vì sao nhân vật đó xứng đáng được có mặt trong danh sách này?".
Châu Anh