4.000 thí sinh tham gia Cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 2023
Theo VCCI chi nhánh ĐBSCL, Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2023 được tổ chức với mong muốn tìm kiếm, nuôi dưỡng và hỗ trợ những dự án khởi nghiệp tiềm năng, đổi mới sáng tạo, có ứng dụng công nghệ.Cuộc thi thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế từng địa phương nói riêng, ĐBSCL nói chung.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ và bà Lương Thị Hương Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Domesco trao giải nhì và giải ba Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2023 cho các dự án xuất sắc tại cuộc thi. |
Năm nay, cuộc thi nhận được 1.511 hồ sơ của hơn 4.000 thí sinh từ 12/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và các tỉnh/thành phố khác ngoài khu vực tham gia. Các lĩnh vực tham gia cuộc thi gồm: nông nghiệp, biến đổi khí hậu, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh - thương mại - dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế - chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Trong đó, nông nghiệp có số lượng hồ sơ dự thi cao nhất với 478 hồ sơ (chiếm 31.6%); tiếp đó là giải pháp kinh doanh - thương mại dịch vụ với 327 hồ sơ (chiếm 21.6%), chế biến thực phẩm có 201 hồ sơ (chiếm 13.3%), công nghệ với 151 hồ sơ (chiếm 9.99%), năng lượng và giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu với 101 hồ sơ (chiếm 6.68%); các lĩnh vực còn lại có 263 hồ sơ (chiếm 17.4%).
Tính theo địa bàn, số lượng hồ sơ chủ yếu đến từ 5 tỉnh: Long An, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp với số lượng lần lượt là 173 hồ sơ (chiếm 11.5%), 171 hồ sơ (chiếm 11.3%), 156 hồ sơ (chiếm 10.3%), 152 hồ sơ (chiếm 10.1%), và 150 hồ sơ (chiếm 9.9%) và các tỉnh/thành còn lại chiếm 46.9%.
Trải qua 3 vòng của cuộc thi, vòng chung kết là cuộc tranh tài của 10 dự án/ý tưởng xuất sắc nhất nhằm tìm ra những dự án xứng đáng nhận những giải thưởng cao nhất của cuộc thi.
Qua phần thuyết trình, trả lời câu hỏi phản biện từ Ban giám khảo, Ban tổ chức đã trao giải Nhì (cuộc thi năm nay không có giải nhất) cho dự án “Sản xuất bánh quy dừa từ các thành phần tự nhiên không hóa chất và phẩm màu” của tác giả Huỳnh Thị Thy Thy (Tiền Giang); giải ba được trao cho dự án “Cua biển Việt - Tạo nên sự khác biệt” của nhóm tác giả Nguyễn Việt Bắc, Nguyễn Thị Tiên, Nguyễn Xuân Đào, Phạm Ngọc Sang (Cà Mau); 2 dự án: “Sản xuất nấm Vân Chi đỏ từ phụ phế phẩm nông nghiệp sẵn có của vùng ĐBSCL” của tác giả Trần Đức Tường (Đồng Tháp) và “Chuỗi giá trị mới - Thịt thực vật từ mít” của tác giả Cao Thị Cẩm Nhung (Hậu Giang) được trao giải khuyến khích của cuộc thi.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải phụ như: Ý tưởng tiềm năng; Nữ doanh nhân ấn tượng nhất; Mô hình đóng góp cộng đồng; Mô hình sinh viên khởi nghiệp ấn tượng nhất; Trưng bày đẹp mắt nhất…
Bên cạnh các giải thưởng chính, Ban tổ chức còn trao tặng những chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên sâu tư vấn hoàn thiện sản phẩm, miễn phí không gian làm việc, hỗ trợ gói chuyên gia tư vấn sản phẩm trong quá trình thử nghiệm, phát triển hệ thống phân phối… bởi các đối tác của VCCI chi nhánh ĐBSCL. Đồng thời, giới thiệu cho các dự án đạt giải vươn tới những cuộc thi lớn hơn, tầm cỡ hơn, từng bước đưa các dự án tiến gần hơn với mục tiêu gia tăng số lượng doanh nghiệp trẻ, năng động, sáng tạo, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế ĐBSCL.
Trong khuôn khổ cuộc thi, Ban tổ chức phối hợp Quỹ Beacond Fund, BambuUP tổ chức Hội thảo chuyên đề “Con đường tăng trưởng bền vững từ đổi mới sáng tạo: nắm cơ hội - vượt thách thức cho năm 2024” và chương trình gặp gỡ, ráp mối giữa Quỹ đầu tư - Startups, SMEs với mong muốn giúp các thí sinh tham gia cuộc thi, doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư, các nhà đầu tư. Từ đó giải quyết được bài toán về vốn cũng như nhận diện được khó khăn, nắm bắt xu hướng mới, để sinh tồn và phát triển bền vững trong năm tới.
Được tổ chức thường niên từ năm 2016, trong 8 năm qua, cuộc thi khẳng định được danh tiếng bằng việc quy tụ hơn 3.000 hồ sơ, với hơn 9.000 người tham gia. Qua cuộc thi, hàng trăm dự án được trao thưởng, tư vấn, kết nối giao thương, đầu tư vốn và hiện đều phát triển, tìm được chỗ đứng trên thương trường.
10 dự án/ý tưởng xuất sắc vào chung kết Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2023: 1. Sợi Nấm Vàng Đồng Khởi: Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo (Cordycep Millitaris) từ tinh chất dừa - (Không dùng cơ chất sâu nhộng) - Tạo chuỗi liên kết sản xuất địa phương và nâng tầm dừa Việt 2. Sản xuất nấm Vân Chi đỏ (Pycnoporus sanguineus MH225776) từ phụ phế phẩm nông nghiệp sẵn có của vùng Đồng bằng sông Cửu Long 3. Prosus - Protein thay thế bền vững 4. Sản phẩm thịt thực vật từ mít 5. Chế biến đa dạng các sản phẩm từ quả giác 6. Sản phẩm DNC NAMCTGU có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gout từ cao hỗn hợp (nụ Vối, lá Tía tô và thân rễ Nghệ) tại ĐBSCL 7. Sản xuất bánh quy dừa từ các thành phần tự nhiên không hóa chất và phẩm màu 8. Cua biển Việt - Tạo nên sự khác biệt 9. Dự án sản xuất tấm chắn nước ngập cho hộ gia đình và các cửa hàng kinh doanh tại Đồng Bằng Sông Cửu Long 10. Sản xuất và phân phối tảo Spirulina platensis phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. |
“CUAvn - Nâng tầm Cua Việt” đạt giải cao nhất Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2022 tại Cần Thơ Ngày 16/12, tại TP. Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp cùng thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Startup Network - MSN) và Quỹ Beacon Fund tổ chức Vòng chung kết và trao giải Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2022. |
Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua cuộc thi khởi nghiệp cho nữ doanh nhân Ngày 17/4, tại Hà Nội, chung kết cuộc thi "Thử thách khởi nghiệp" của AWE đã diễn ra tại Trung tâm Hoa Kỳ Hà Nội (AC) với sự tham gia của 11 đội thi. Đây là những ứng viên xuất sắc nhất trong số 110 đội dự thi đến từ 21 tỉnh, thành. Chương trình có sự góp mặt của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. |