100 đồng doanh thu, Viettel lãi 26 đồng, VNPT lãi 7 đồng
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo tài chính tài chính kiểm toán 2023 vừa công bố, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) báo doanh thu thuần hợp nhất năm 2023 đạt 51.157 tỷ đồng, giảm 1,4% so với năm 2022 và doanh thu thuần của công ty mẹ đạt 34.487 tỷ đồng, giảm 4,8% so với năm 2022.
Trong kỳ, dù doanh thu tài chính hợp nhất của VNPT tăng hơn 38% lên 3.868 tỷ đồng (trong đó lãi tiền gửi gần 3.740 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với năm 2022) nhưng thu nhập khác (thu nhập từ thanh lý tài sản) đã giảm 725 tỷ đồng so với năm trước. Kết quả, VNPT báo lãi sau thuế hợp nhất đạt 3.584 tỷ đồng giảm khoảng 34% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ còn giảm tới 44% so với năm 2022, chỉ đạt 2.347 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2023, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần (ROS) của Tập đoàn VNPT là 7%, tương ứng cứ 100 đồng doanh thu đem về 7 đồng lợi nhuận cho VNPT. Trong khi ROS của công ty mẹ là 6,8%, tương ứng lợi nhuận 6,8 đồng trên 100 đồng doanh thu.
Năm 2024, VNPT đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.089 tỷ đồng, trong đó, doanh thu công ty mẹ là 41.973 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 3.534 tỷ đồng. Suy ra, công ty mẹ VNPT đặt mục tiêu 100 đồng doanh thu đem về hơn 8 đồng lợi nhuận.
Tương tự, mục tiêu tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu năm 2024 của MobiFone cũng chỉ ngang VNPT. Theo đó, năm 2024, nhà mạng này đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ là 25.949 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.671 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu dự kiến ở mức hơn 6%, tương ứng 100 đồng doanh thu đem về 6 đồng tiền lãi.
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) vẫn duy trì được doanh thu tăng trưởng 5,4% trong năm 2023, đạt 172.500 tỷ đồng. Thị phần viễn thông của Viettel trong năm 2023 tăng thêm 1,64% và tiếp tục dẫn đầu với thị phần 56,5%. Các dịch vụ ngoài di động như cố định băng rộng (FTTH) và truyền hình trên đa nền tảng cũng giữ vị thế số 1.
Trước đó, năm 2022, Viettel báo doanh thu hợp nhất và doanh thu công ty mẹ lần lượt đạt 163.654 tỷ đồng và 101.080 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 34.947 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 31.469 tỷ đồng. Như vậy, ROS của tập đoàn là 21,4% và của công ty mẹ là 31,1% (100 đồng doanh thu lãi 31 đồng).
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Viettel công bố doanh thu hợp nhất đạt 74.933 tỷ đồng, tương ứng bình quân mỗi ngày thu gần 500 tỷ. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt 19.723 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 22.387 tỷ đồng. ROS của Viettel trong 5 tháng đầu năm 2024 tính ra là 26,3% (100 đồng doanh thu đem về hơn 26 đồng lợi nhuận).
Qua thời tăng trưởng hai chữ số
Nhìn lại mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hai chữ số của các doanh nghiệp viễn thông những năm trước đây có thể thấy tăng trưởng trong những năm gần đây của các doanh nghiệp này đã chậm lại, thậm chí “đi lùi”.
Với doanh nghiệp viễn thông lớn nhất cả nước, Viettel năm 2012 doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2011; lợi nhuận đạt 27.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Sang hai năm 2013 và 2014, Viettel vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số, lần lượt đạt hơn 35.000 tỷ đồng (tăng 27,5% so với năm 2012) và 42.000 tỷ đồng (tăng 15%).
Năm 2015, doanh thu của Viettel vẫn tăng trên 10% so với năm 2014, đạt gần 216.900 tỷ đồng, song tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc còn 7,3%, đạt hơn 45.000 tỷ đồng. Đến năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Viettel giảm còn chưa tới 39.100 tỷ đồng dù doanh thu tăng hơn 4% lên 225.800 tỷ đồng.
Sau năm 2017 ghi nhận doanh thu và lợi nhuận bật tăng 11,4% và 13,3% lên xấp xỉ 251.500 tỷ đồng và 44.300 tỷ đồng, năm 2018 lợi nhuận trước thuế của Viettel lại tụt về 37.300 tỷ đồng và hai năm 2019, 2020 tăng lên 38.200 tỷ đồng và 39.300 tỷ đồng.
Ba năm gần đây, lợi nhuận của Viettel năm 2021 là 40.100 tỷ đồng; năm 2022 là 43.000 tỷ đồng và năm 2023 hiện chưa có báo cáo chi tiết.
Tương tự, Tập đoàn VNPT trong giai đoạn 5 năm tái cơ cấu từ năm 2014 đến năm 2019 đã liên tục đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình là 20%, trong đó năm 2018 còn tăng mạnh 25%/năm. Nhưng ba năm qua, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này liên tục giảm, năm 2021 đạt 7.103 tỷ đồng, năm 2022 đạt 6.629 tỷ đồng và năm 2023 là 4.660 tỷ đồng.
MobiFone, trong giai đoạn từ 2008 đến 2015, lợi nhuận trước thuế cũng dao động từ gần 6.000 tỷ đến 7.300 tỷ đồng. Đến năm 2016 bắt đầu giảm và còn hơn 5.000 tỷ đồng. Ba gần đây (2021, 2022 và 2023), mức lợi nhuận lần lượt còn hơn 4.700 tỷ đồng, hơn 3.200 tỷ đồng, và là 1.638 tỷ đồng.
Có thể thấy, tăng trưởng của các “ông lớn” viễn thông chững lại, thậm chí sụt giảm trong bối cảnh những năm gần đây, thị trường viễn thông di động đã đến ngưỡng bão hòa và xu hướng sử dụng các dịch vụ OTT thay thế cho dịch vụ gọi, nhắn tin truyền thống ngày càng phổ biến.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, chỉ tăng 0,41% so với năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm. Trước đó, năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông cũng chỉ tăng 1,6% so với năm 2021, đạt 138.000 tỷ đồng.
Đánh giá về thực tế này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tăng trưởng những năm gần đây của các nhà mạng là thấp, thấp hơn tăng trưởng GDP (viễn thông trong nước của Viettel tăng từ 2 - 5%, VNPT từ 2 - 3%). Trong khi đó, một nhà mạng viễn thông thế hệ mới mà tăng trưởng tốt là phải khoảng 10%, mức đạt yêu cầu cũng phải trên 5%.
Theo Bộ trưởng các nhà mạng chủ chốt, vẫn chưa đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số, và cũng vì vậy mà vẫn chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ đã hết dư địa, thậm chí suy giảm.
Trong khi đó, 30 năm tới, sẽ có những chuyển dịch quan trọng trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số, như chuyển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng kinh tế số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo…
Các chuyển dịch nêu này theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chính là định hướng phát triển của các nhà mạng. Do đó, không gian tăng trưởng mới của các nhà mạng cần hướng đến là hạ tầng số, 5G, AI, chip bán dẫn, dịch vụ chuyển đổi số, an ninh mạng…