Cử tri cao tuổi, người khuyết tật vẫn quyết tâm tự mình bỏ phiếu bầu cử
Hôm nay, trong số hơn 69 triệu cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, có những cử tri tuổi đã rất cao song vẫn háo hức đi bầu từ rất sớm, như cụ Trần Thị Thanh Hà (102 tuổi) thực hiện quyền bầu cử tại khu vực bầu cử số 4, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân. (Ảnh: Hanoimoi).
Tới bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 2, phường Phúc Xá, cụ Trần Thị Thắm (101 tuổi, ở phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Dù tuổi đã cao nhưng vì còn đi lại được nên tôi muốn tự mình thực hiện nhiệm vụ, quyền lợi của mình cũng như bao cử tri khác, biết đâu đây là lần cuối tôi được tự mình làm việc lớn lao này với đất nước. Tuổi lớn rồi, nay mai thế nào khó nói lắm". (Ảnh: PL&XH).
Háo hức cầm trên tay lá phiếu bầu, cụ Nguyễn Thị Thanh Hồng (94 tuổi, ngụ phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết cụ đã tham gia bầu cử 15 lần. Cụ là cán bộ tiền khởi nghĩa, vợ của cố nhạc sĩ Trần Hoàn. (Ảnh: Hanoimoi).
Năm nay 90 tuổi, cụ Nguyễn Quang Phùng là cử tri cao tuổi nhất phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hôm nay, cụ Phùng cùng cháu nội là cử tri Nguyễn Trung Quân (18 tuổi), cử tri nhỏ tuổi nhất, cùng bỏ phiếu. (Ảnh: Hanoimoi).
Tại khu vực bỏ phiếu số 7 nhà văn hoá xóm Tây (thôn Lũng Giang, Thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), cụ Nguyễn Văn Ngân (101 tuổi) có mặt từ 8h sáng. Chia sẻ cảm xúc sau khi bỏ phiếu, cụ Ngân cho biết: "Đi bỏ phiếu bầu đại biểu là thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình nên tôi rất vui. Hy vọng lá phiếu của tôi và các cử tri sẽ chọn ra được đại biểu có đủ đức đủ tài, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân". (Ảnh: Vietnamnet).
Là cử tri cao tuổi nhất tại khu vực bỏ phiếu số 7, thị trấn Ngọc Lặc, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa), cụ ông Bùi Xuân Hách (94 tuổi) đã chống gậy đi bộ đến điểm bỏ phiếu bầu cử từ khá sớm. "Không biết lần bầu cử sau tôi có còn không, nhưng nay được tham gia bỏ phiếu, tôi thấy vui lắm. Mấy tuần nay, khi nghe tuyên truyền tôi hào hứng chờ đợi ngày này. Hôm nay không cần con cháu đưa đến, tôi tự đi đến đây và là một trong những người đến sớm nhất" - cụ hào hứng chia sẻ. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).
Vừa trải qua một cuộc phẫu thuật, cụ ông Lê Thanh Tùng (87 tuổi, ngụ Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM) đi khập khiễng đến địa điểm bầu cử. Cụ cho biết có cán bộ tổ bầu cử đề nghị sẽ mang thùng phiếu đến nhà, nhưng cụ từ chối. "Một phần vì tôi còn đi được, phần vì tôi muốn đến tận nơi để xem công tác diễn ra như thế nào". (Ảnh: Thanh niên).
Dù ngồi xe lăn do căn bệnh tai biến, nhưng cụ Nguyễn Nghĩa (71 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn đến điểm bầu cử từ rất sớm. "Tôi đến đây để thấy bà con ta hào hứng đi bỏ phiếu. Cầm trên tay lá phiếu bỏ vào thùng đại diện cho nguyện vọng của bản thân nói riêng và người dân nói chung, dù đã đi bầu cử nhiều lần nhưng bao giờ tôi cũng có cảm xúc hạnh phúc, hân hoan khó tả. Vui sướng vì đất nước đã qua những ngày gian khó, bây giờ người dân được sống trong hòa bình, tự do...", cụ Nghĩa tâm sự. (Ảnh: Doanh nghiệp&tiếp thị).
Ông Bùi Văn Hà (72 tuổi, Chủ tịch hội cựu chiến binh phường Trung Liệt, Tổ trưởng khu vực bầu cử số 2, TP. Hà Nội) chia sẻ: Từ sáng sớm, các cụ cao tuổi đã có mặt để thực hiện nghĩa vụ công dân. Nhiều cử tri cao tuổi dù khó khăn trong việc đi lại, phải chống batoong để đi lại nhưng rất hăng hái, nhất quyết phải tự tay bỏ phiếu bầu.
Để hỗ trợ các cử tri cao tuổi không thể đến nơi bỏ phiếu như cụ bà Nguyễn Thị Hòa (100 tuổi), Tổ bầu cử số 2 phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã mang hòm phiếu phụ đến tận nhà cử tri. (Ảnh: Hanoimoi).
Bên cạnh những cử tri lớn tuổi, nhiều cử tri "đặc biệt" là người khuyết tật cũng tự mình đến nơi bỏ phiếu, hoặc được hỗ trợ đến các điểm bầu cử.
Cử tri là người khuyết tật được ưu tiên nhận phiếu bầu cử trước tại khu vực bầu cử số 1 thị trấn Đông Bình (Gia Bình, Bắc Ninh). Cử tri cũng được hướng dẫn thực hiện quy trình bầu cử và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Báo Bắc Ninh).
Khoảng 10h25, anh Đoàn Ngọc Hoài Phong (44 tuổi), một cử tri là người khuyết tật vận động, cầm phiếu cử tri đến bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 19, P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Anh Phong bày tỏ: "Hiện nay chính sách, pháp luật đối với người lao động đã có nhưng người lao động nói chung và người lao động là người khuyết tật nói riêng chưa tiệm cận được hết với những quyền, lợi ích của mình. Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ tới, các đại biểu trúng cử sẽ truyền tải được kỳ vọng của người lao động và đảm bảo cho họ những chính sách tốt hơn". (Ảnh: Thanh niên).
Tại khu vực bỏ phiếu P.7, Q.Tân Bình, bà Nguyễn Thị Phúc Hậu (63 tuổi, ngụ P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết bà ngồi xe lăn đã 13 năm nay do tai biến, nhưng nhiệm kỳ nào bà cũng đến trực tiếp bầu cử. "Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được đến đây hưởng ứng tinh thần ngày toàn dân bầu cử. Bối cảnh dịch bệnh không làm tôi lo sợ, tôi nghĩ điều cần làm bây giờ là chấp hành nghiêm chỉ thị của Nhà nước để góp phần vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện quyền công dân" - bà Hậu chia sẻ. (Ảnh: Thanh niên).
"Tôi rất vui và vinh dự khi được thực hiện quyền công dân của mình. Đã 2,3 ngày nay mình theo dõi, chọn lựa từng người. Mình xem lý lịch, xem công tác, quá trình làm việc của các đại biểu để đưa ra quyết định cuối cùng. Khi đến đây thì trong đầu đã có sẵn hết rồi, chỉ cần bỏ phiếu nữa thôi", vợ chồng cử tri Trương Văn Đại (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ.
Những lời ca đi cùng lá phiếu Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong ký ức của nhiều người, trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, bên cạnh những bài hát như Tiến quân ca, Diệt phát xít…còn có những ca khúc cổ vũ tinh thần bầu cử. Từ đó đến nay, trong mỗi kỳ bầu cử Quốc hội, những bài ca, điệu nhạc luôn là nguồn cổ vũ, động viên đồng bào cả nước thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình. |
Bầu cử Quốc hội là quyết tâm của Việt Nam vượt qua đại dịch Tạp chí Thời Đại phỏng vấn Giáo sư Seung-yong Uhm, Giám đốc Viện Tài nguyên Văn hoá Hàn Quốc về những suy nghĩ xoay quanh cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV. Ông Uhm đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam. |
Bầu cử ở Việt Nam trong cảm nhận của bạn bè quốc tế (bài 2): Quyền dự hội Bất cứ công dân nào đến tuổi trưởng thành cũng có quyền được biết đầy đủ, được hỏi sâu sắc, được yêu cầu mọi chuyện lớn nhỏ và được tự quyết định chọn người thay mặt mình tham gia vào hệ thống chính trị nước nhà. Cũng như vậy, ai đủ tiêu chuẩn cũng được tham gia ứng cử công bằng, công khai để có thể được bầu vào bộ máy lãnh đạo nhân dân. |