Những lời ca đi cùng lá phiếu
Bầu cử Quốc hội là quyết tâm của Việt Nam vượt qua đại dịch Tạp chí Thời Đại phỏng vấn Giáo sư Seung-yong Uhm, Giám đốc Viện Tài nguyên Văn hoá Hàn Quốc về những suy nghĩ xoay quanh cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV. Ông Uhm đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam. |
Những lời ca đi cùng lá phiếu |
Từ bài hát trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên..!
“Đâu quốc dân Việt Nam mau, cùng nhau cầm lá phiếu mau. Ai đã hy sinh thân mình. Từng bênh vực dân chúng. Đâu quốc dân Việt Nam mau. Bầu lấy người ra chiến đấu. Ai vì dân, nước quên mình. Toàn dân chúng ta bầu”.
Những giai điệu này đang dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam trong những ngày cận kề ngày bầu cử. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tuổi đời bài hát đã bước sang con số 75, cùng mốc thời gian với ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam. Cuộc vận động tuyên truyền, cổ động cho ngày bầu cử đầu tiên diễn ra khắp cả nước dưới mọi hình thức. Và giai điệu bài hát này đã được vang lên trên khắp phố phường Hà Nội.
Đó là bài “Ngày Quốc hội” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Với giai điệu hùng tráng, hừng hực khí thế cách mạng yêu nước, bài hát đã góp phần tạo nên không khí ngày hội Bầu cử toàn dân, thôi thúc quốc dân đồng bào suốt từ Bắc vào Nam đi bỏ phiếu, xây dựng nền dân chủ cộng hòa.
Trong cuốn hồi ký Âm thanh cuộc đời ấn hành năm 2003, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã từng viết: “Trước ngày 06-01-1946, tôi đã sáng tác bài hát có tính thời sự Ngày Quốc hội, xuất bản và đưa Đoàn Quân nhạc phổ biến”.
Sau này, khi được hỏi về ca khúc “Ngày Quốc hội”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, con trai cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết: “Trước năm 1945 nền tân nhạc Việt Nam bắt đầu có, nhưng khi cách mạng bùng nổ thì đã có một hình thức âm nhạc mới xuất hiện đó chính là thể loại ca khúc hành khúc. Trong trào lưu chung như thế thì bài hát “Ngày Quốc hội” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận có mục đích rõ ràng là một bản hành khúc để cổ động và giúp đồng bào hiểu rõ hơn về Quốc hội đầu tiên của Việt Nam, và bài hát đã có tác dụng rất rõ ràng.
Vì bài hát có tính chất quần chúng, và hướng tới quần chúng cho nên rất dễ hát, cấu trúc rất gọn gàng đúng như bản hành khúc, và chính sự rõ ràng từ nội dung cho đến âm nhạc nên bài hát được phổ biến rất nhanh…”
Đến những ca khúc của thế kỷ 21
Từ nhạc phẩm cổ động đầu tiên cho đến hôm nay, đề tài về bầu cử vẫn luôn được nhiều nghệ sĩ quan tâm, và các ca khúc mới vẫn tiếp tục ra đời muôn màu muôn vẻ.
Nhiều người đã quen thuộc với những bài hát cổ động bầu cử như Mừng ngày hội non sông (Nguyễn Quang Vinh), Mệnh lệnh trái tim (NSƯT Nhất Sinh), hay Cùng nhau đi xây nền dân chủ (Trần Long Ẩn)...
Đặc biệt, không thể không kể đến ca khúc Quốc hội sáng ngời niềm tin của đại tá - nhạc sĩ Vũ Đức Tạo - nguyên Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh. Ca khúc này được trao Giải nhất Lễ phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội Việt Nam ở cả 2 miền đất nước do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tháng 11.2015.
Chia sẻ về ý tưởng viết ca khúc này, nhạc sĩ Vũ Đức Tạo cho biết: “Khi đó, tôi háo hức vô cùng vì được viết về Quốc hội. Song một vấn đề đặt ra là viết về vấn đề gì, viết thế nào để có tính khái quát cao, sâu sắc, đi vào lòng người và sống được với thời gian...
Sau một thời gian trăn trở, tôi quyết định viết chính ca để ca ngợi Quốc hội. Từ 2 bài thơ của nhà văn Phạm Vân Anh gửi, tôi lấy cảm hứng rồi tìm những ý thơ đồng cảm với mình và phù hợp với ca khúc mà tôi đang viết. Dịp nghỉ lễ 30.4 năm đó, gia đình NSƯT Thúy Nội về thăm quê, tôi cầm ghi-ta và hát ca khúc “Quốc hội ngời sáng niềm tin” còn chưa ráo mực. Điều ngỡ ngàng đối với tôi là tất cả 6 người trong gia đình Thúy Nội đều hết sức chăm chú lắng nghe và tán thưởng. Sau đó tôi tiếp tục hoàn thiện tác phẩm. Cuối tháng 6.2015, tôi đã gửi bài hát dự thi và vinh dự đạt giải nhất.”
Tiếp nối nguồn mạch đó, nhiều ca khúc mới ngày nay đã bắt đầu “tiếp lửa” cho công cuộc tuyên truyền bầu cử. Những ca khúc mới ra đời mang âm hưởng trẻ trung, hiện đại, phù hợp với thị hiếu của khán giả thời đại mới và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ mọi người. Đặc biệt có thể kể đến ca khúc Bài ca bầu cử đang “gây bão” thời gian gần đây với sự kết hợp của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, các ca sĩ trẻ AMee, Grey D và vũ điệu bầu cử được biên soạn bởi Quang Đăng - người từng biến vũ điệu rửa tay lan sóng ra quốc tế.
Với lời bài hát đơn giản nhưng ấn tượng và dễ nhớ: “Hôm nay tôi đi bầu vì tương lai của chúng ta, bạn cũng vậy nhé, đi thôi 5 năm có 1 lần”; "Đi, ta cùng đi ta cùng đi, ta cùng nhau đi bầu”; “Muốn quê hương mình phát triển, cùng sánh vai cường quốc năm châu, vậy thì mình đi bầu những người xứng đáng”… Qua đó, góp phần kêu gọi mọi người đi bầu cử.
Có thể thấy trước mỗi kỳ bầu cử, tiếp nối nguồn mạch từ những ca khúc đầu tiên, những bài ca, điệu nhạc tuyên truyền luôn vang lên rạo rực, cổ vũ đồng bào cả nước thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Đây thực sự là dấu ấn trong những thời khắc lịch sử!
Bầu cử Quốc hội là quyết tâm của Việt Nam vượt qua đại dịch Tạp chí Thời Đại phỏng vấn Giáo sư Seung-yong Uhm, Giám đốc Viện Tài nguyên Văn hoá Hàn Quốc về những suy nghĩ xoay quanh cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV. Ông Uhm đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam. |
TRỰC TIẾP TỔNG THUẬT: Tưng bừng Ngày hội non sông - Ngày hội của toàn dân Hôm nay (23/5), hơn 69 triệu cử tri cả nước thực hiện quyền công dân của mình tại 84.767 khu vực bầu cử, lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất để đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội (khóa XV) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. |