WVI tổ chức tọa đàm trực tuyến giúp trẻ em giải quyết mâu thuẫn trên môi trường mạng
Toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Bạn trẻ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero" là sự kiện thứ hai trong chuỗi toạ đàm trực tuyến “Người bình dị phi thường” do hai tổ chức cùng phối hợp triển khai từ tháng 7 đến hết tháng 9/2021 để truyền thông bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Nằm trong Chiến dịch “It Takes a World - Chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học” do Tổ chức World Vision Việt Nam khởi xướng năm 2017, “Người bình dị phi thường” là sáng kiến khích lệ và thúc đẩy việc làm cụ thể của mọi thành phần trong xã hội để góp phần tạo nên môi trường an toàn, tích cực và tràn đầy yêu thương, nơi mọi trẻ em được phát triển một cách toàn diện.
Các khách mời thảo luận để giúp trẻ em xử lý mâu thuẫn trong trường học và trên môi trường mạng. |
Toạ đàm “Bạn trẻ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero" là nơi các chuyên gia và khách mời cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến mối quan hệ của các bạn trẻ trong trường học và trên môi trường mạng, qua đó tư vấn, hỗ trợ các bạn trong cách phản ứng, xứ lý trước các tình huống mâu thuẫn trong cuộc sống.
Những phân tích, chia sẻ của các chuyên gia và khách mời không những sẽ giúp các bạn trẻ cải thiện mối quan hệ bạn bè trong trường học và trên môi trường mạng, mà còn đóng vai trò hữu ích trong việc giúp các em định hướng phong cách ứng xử tích cực trong tất cả các mối quan hệ, xuyên suốt quá trình trưởng thành.
Mâu thuẫn có thể nảy sinh từ rất nhiều nguyên nhân
YouTuber/Vlogger Nguyễn Trung Anh – nhóm 1977 Vlog - đã kể lại trải nghiệm của bản thân về những mâu thuẫn với bạn bè và cả việc bị bắt nạt, bạo lực khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để biết cách xử lý mâu thuẫn hiệu quả, trước hết trẻ em, cha mẹ, thầy cô giáo và những người xung quanh cần có nhận thức đúng và đủ về nguyên nhân của mâu thuẫn.
Theo Chuyên gia tham vấn tâm lý Đỗ Thị Trang, “mâu thuẫn có rất nhiều hình thái đa dạng, có thể bắt nguồn từ những chi tiết nhỏ bé trong đời sống thường ngày và bị đẩy lên cao trào do các bên tham gia chưa có đủ thiện chí, kỹ năng kiềm chế cảm xúc và xử lý mâu thuẫn.”
“Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của trẻ em, khi các em còn nhỏ, chưa có đủ kinh nghiệm và chưa được định hướng hiệu quả để nhìn nhận vấn đề đang gặp phải một cách khách quan và hợp lý. Ngoài ra, việc thiếu kết nối với cha mẹ và những người xung quanh cũng khiến các em gặp nhiều khó khăn hơn vì phải tự mình đối mặt và xử lý mâu thuẫn”, Chuyên gia tham vấn tâm lý Đỗ Thị Trang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc chưa được tiếp cận với cách hiểu đúng của các khái niệm quan trọng trong đời sống cũng là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn ở bất kỳ lứa tuổi nào.
“Khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, người trẻ có xu hướng hiếu thắng, đề cao góc nhìn của bản thân, “tự cho mình là đúng”, từ đó dẫn đến những cách hành xử thiếu phù hợp với những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa. Ngay cả khi mâu thuẫn đã được làm sáng tỏ, họ cũng cảm thấy khó khăn để nói lời ‘xin lỗi’ mà quên mất rằng ‘xin lỗi’ hoàn toàn không phải là kém cỏi; ngược lại, chính lời ‘xin lỗi’ là thể hiện tinh thần cởi mở, cầu thị, và nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn của bản thân”, anh Nguyễn Trung Anh - YouTuber/Vlogger, thành viên nhóm 1977 Vlog chia sẻ.
Vai trò chủ thể quan trọng của trẻ em trong việc xử lý mâu thuẫn trong trường học và trên môi trường mạng
“Mâu thuẫn, bất kể trong trường học hay trên môi trường mạng, đều để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng lên đời sống và quá trình trưởng thành của trẻ, bao gồm ám ảnh tâm lý, trầm cảm, sang chấn tâm lý, hay thậm chí là tử vong”, Thạc sỹ Đỗ Thị Trang chia sẻ.
Trong mọi hoàn cảnh, sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo và những người xung quanh sẽ góp phần xây dựng cho trẻ một bộ khung ứng xử phù hợp, giúp các em đối mặt và giải quyết các tình huống mâu thuẫn một cách tích cực hơn.
“Người Việt Nam có câu ‘Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’. Câu nói này đặc biệt đúng trong thời đại mạng xã hội lên ngôi... Một lời bạn nói hay chia sẻ trên mạng xã hội có thể là lưỡi dao gây tổn thương, kích thích thái độ - cảm xúc tiêu cưc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và đời sống của người khác. Nhưng đó cũng có thể là bàn tay đưa ra để nâng đỡ cuộc đời của một ai đó. Chính bạn là người quyết định để đưa ra lựa chọn phù hợp”, anh Nguyễn Việt Anh - YouTuber/Vlogger, thành viên nhóm 1977 Vlog phân tích.
“Em cũng đã từng đối mặt với những bình luận không tích cực khi đăng tải những bức hình, thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Ban đầu điều này làm em buồn, nhưng dần về sau em học cách chỉ quan tâm đến những bình luận, tương tác với người yêu quý thôi và mặc kệ hoặc xoá những bình luận tiêu cực đi. Nếu gặp các tình huống bắt nạt, bạo lực nghiêm trọng hơn, em sẽ kể lại với bố mẹ để được giúp đỡ.” - em Phương Anh - học sinh trường THCS Nam Từ Liêm chia sẻ.
Khép lại chương trình, MC Chu Thu Hà kết luận: “Chúng ta cần thừa nhận rằng mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, vẫn thường xảy ra trong cuộc sống với muôn hình vạn trạng. Chúng ta không nên coi những mâu thuẫn của trẻ em là những “chuyện nhỏ", là “Zero" bởi đôi khi những vấn đề này có thể ảnh hưởng tới đời sống, tâm lý và mối quan hệ của các bạn. Tuy nhiên, nếu các bạn đối diện với mâu thuẫn bằng sự lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau và mong muốn vun đắp mối quan hệ tích cực, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra cách để giải quyết, khi đó các bạn có thể là những “Hero" - người hùng để giúp chính bản thân và lan toả năng lượng tích cực tới mọi người. Gia đình, nhà trường hãy hiểu các bạn trẻ của chúng ta, tin tưởng vào các bạn trẻ để giúp các bạn đối diện với các thách thức, mâu thuẫn của cuộc sống và trưởng thành".