WHO: Virus SARS-CoV-2 vẫn gây bệnh hô hấp nghiêm trọng ở người dễ bị tổn thương
Trong 28 ngày qua, hơn 23.000 ca tử vong và 3 triệu ca nhiễm Covid-19 mới đã được báo cáo cho WHO, trong bối cảnh số lượng xét nghiệm đã giảm đi đáng kể.
Ông Mike Ryan cho biết, các virus gây bệnh hô hấp sẽ không chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành, mà chỉ suy giảm xuống mức "hoạt động" thấp hơn với khả năng đỉnh dịch xảy ra theo mùa. WHO vẫn theo dõi sát tình hình dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh dịch bệnh này sẽ còn dai dẳng.
Tiêm vắc xin Covid-19 tại điểm tiêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: KT). |
Ông lưu ý, một số quốc gia vẫn có lượng lớn những người dễ bị tổn thương chưa được tiêm phòng, trong khi ở những quốc gia khác, Covid-19 đã không còn là vấn đề y tế khẩn cấp.
Dự kiến Ủy ban Khẩn cấp của WHO về Covid-19 sẽ nhóm họp vào đầu tháng 5 tới với trọng tâm là xem xét liệu dịch Covid-19 có còn gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) hay không.
Tại Việt Nam, hơn một tuần qua, số ca Covid-19 cả nước tăng trở lại, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều ghi nhận xuất hiện biến chủng mới có đặc tính lây lan nhanh nhưng không làm tăng ca nặng. Phần lớn bệnh nhân Covid-19 đợt này có triệu chứng nhẹ, tương tự các triệu chứng trước đây như ho, sốt, mệt mỏi, đau cơ thể, được theo dõi điều trị tại nhà. Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm cao nhất, trung bình hơn 90 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Số người cần chăm sóc y tế chủ yếu là nhóm cao tuổi, có bệnh lý nền, trẻ em chiếm 2-6%.
Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên chủ quan, lơ là bệnh. Khi nghi ngờ mắc Covid-19, người bệnh cần chủ động cách ly và điều trị theo khuyến cáo. Người già, có bệnh nền cần theo dõi chặt chẽ, nhập viện khi có biến chứng để được chăm sóc y tế kịp thời.