WHO tuyên bố Mpox là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu
Số ca mắc Mpox mới đang bùng phát mạnh, đặc biệt là ở khu vực châu Phi (Ảnh minh họa). |
Sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì bệnh Mpox và xuất hiện ca bệnh ở ngoài châu Phi, nhiều nước đã có sự chuẩn bị để ứng phó nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ngày 19/8, Bộ trưởng Y tế Na Uy Jan Christian Vestre cho biết hệ thống y tế nước này đã chuẩn bị tốt để ứng phó nguy cơ bùng phát Mpox. Ông Vestre khẳng định Na Uy đảm bảo năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó của hệ thống y tế, có đủ vaccine để phòng ngừa hiệu quả các ca mắc Mpox.
Trong khi đó, Cơ quan Y tế Công cộng Hà Lan (RIVM) cho biết nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào mắc bệnh, cơ quan này sẽ tiến hành truy vết nguồn gốc, truy vết tiếp xúc cũng như cung cấp hướng dẫn để ngăn chặn nguy cơ bệnh lây lan. Cũng theo RIVM, Hà Lan có đủ nguồn vaccine, có thể tiêm phòng cho những người tiếp xúc gần với các ca mắc.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15/8 xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm chủng virus Clade 1 gây bệnh Mpox tại nước này. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm chủng virus này bên ngoài châu Phi. Chủng Clade 1 hiện lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trong gia đình và thường lây nhiễm cho trẻ em. Clade 1 được đánh giá có khả năng gây bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn so với chủng Clade 2b gây bệnh Mpox lây lan trên toàn thế giới năm 2022.
Tại CHDC Congo, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế nước này cho biết, đến nay đã có 16.700 trường hợp mắc bệnh Mpox với hơn 570 trường hợp tử vong được báo cáo. Tuần trước, con số được đưa ra là 15.664 trường hợp nghi ngờ và 548 trường hợp tử vong kể từ đầu năm tại quốc gia Trung Phi này.
Tại Singapore, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung đã mô tả tình hình là "rất đáng lo ngại" và cho rằng Singapore sẽ là một trong "những nơi đầu tiên phát hiện ra các trường hợp mắc bệnh đậu Mpox với các biến thể mới. "Tôi muốn nói rằng, nhìn chung, đây là một tình huống rất đáng lo ngại, đặc biệt là đối với lục địa Châu Phi. Tôi cũng cho rằng chúng ta nên làm việc với tư thế chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ở Châu Á".
Bộ Y tế Malaysia cho biết các bác sĩ phải thông báo ngay khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ và nếu đã xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ thì phải đến cơ quan y tế quận gần nhất để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.
Tại Indonesia, du khách nước ngoài phải khai báo hồ sơ bệnh án và lịch sử du lịch gần đây của họ bằng cách điền vào các biểu mẫu tại cổng nhập cảnh. Du khách bị bệnh được khuyến cáo không nên tiếp tục chuyến đi đến Indonesia.
Tại Việt Nam, số ca mắc Mpox chủ yếu tập trung ở TPHCM, một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ lan ra các tỉnh khác. Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, trong 2 năm 2023-2024, tại khu vực phía Nam ghi nhận 199 ca Mpox, bao gồm 8 ca tử vong. Trong đó, số ca tại TPHCM là 156 ca, bao gồm 6 ca tử vong. Tính riêng năm 2024, TPHCM có 49 ca Mpox và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.Theo Sở Y tế TPHCM, hiện nay dịch bệnh Mpox trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát, thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng.
Ngành y tế khuyến cáo, người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.
WHO: Chưa cần thiết phải tiêm phòng đại trà đối với bệnh đậu mùa khỉ Chia sẻ trên The Washington Post, chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của WHO cho biết: "Việc tiêm phòng hàng loạt chưa được khuyến khích đối với bệnh đậu mùa khỉ." |
Chuyên gia Mỹ: số ca mắc đậu mùa khỉ đang giảm dần Số ca mắc đậu mùa khỉ ở một số thành phố lớn của Mỹ đang có dấu hiệu giảm dần. |