Vụ bé 2 tuổi đuối nước tại CVN Thanh Hà: Trách nhiệm thuộc về ai?
Vụ việc bé trai 2 tuổi đuối nước ở Công viên nước Thanh Hà xảy ra chiều 12/6 vừa qua, nhận được sự quan tâm của dư luận.
Trong đó, đáng chú ý là tình tiết Công viên nước Thanh Hà vừa bị xử phạt, yêu cầu tạm dừng hoạt động nhưng vẫn cố tình mở cửa và để xẩy ra sự cố đáng tiếc trên.
Theo đó, Công viên nước Thanh Hà được xác định là chưa được Sở VHTT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Tại thời điểm Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông kiểm tra (15h ngày 12/6), nhân viên cứu hộ không trực tại vị trí, cơ sở chưa có hợp đồng liên kết cấp cứu với cơ sở y tế theo quy định.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là việc để xảy ra sự cố bé trai 2 tuổi đuối nước dẫn đến tử vong thì trách nhiệm của Công viên nước Thanh Hà thế nào?
Toàn cảnh công viên nước Thanh Hà |
Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng: "Vụ việc này cho thấy Công viên nước Thanh Hà phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật khi đưa công viên vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao loại hình bơi, lặn".
Theo luật sư, đây là loại giấy tờ pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ bể bơi theo quy định pháp luật tại Nghị định 106/2016/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL.
"Theo đó phải có: Nhân viên cứu hộ tại cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao là người được tập huấn chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Nhân viên y tế tại cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao là người có trình độ chuyên môn từ trung cấp y tế trở lên.
Và đương nhiên doanh nghiệp chỉ được kinh doanh hoạt động thể thao kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Hộ kinh doanh và các cơ sở khác chỉ được kinh doanh hoạt động thể thao khi có đủ các điều kiện theo quy định.
Luật sư Bình nhìn nhận đồng thời cho rằng vụ việc bé 2 tuổi đuối nước tử vong có dấu hiệu của Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
"Theo đó quy định: Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Do đó cần phải khởi tố để làm rõ ai là người đã ra lệnh đưa vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện và vẫn cố tình hoạt động dù đã bị xử phạt và yêu cầu ngưng hoạt động", luật sư Bình nhấn mạnh.
Trước đó, chiều 12/6, cháu Phùng Văn K. (SN 2017, trú phường Phú Lương) được hai bác là Đào Tư H. và Phùng Thị H. cho vào Công viên nước Thanh Hà chơi. Khi vợ chồng ông H. và cháu K. đi trên đoạn sông lười thì bất ngờ cháu K. ngã xuống nước. Lúc này, mẹ cháu vội tri hô cứu nạn và đội cứu nạn công viên nước Thanh Hà đã có mặt vớt cháu lên và tiến hành sơ cấp cứu và chuyển đến viện 103 cấp cứu. Đến khoảng 23h cùng ngày, gia đình đưa cháu lên viện nhi Trung ương để cấp cứu. Tuy nhiên, đến khoảng 5h30 sáng 13/6, cháu K. đã tử vong. |