Vinh danh nhà văn chiến sỹ
Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 đang tới gần, cuốn sách có ý nghĩa như một tượng đài vinh danh những cây bút chiến sỹ, liệt sỹ. Những bài viết trong cuốn sách góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Họ là những cây bút có số phận đặc biệt, bị bắt bị giam vào nhà tù đế quốc thực dân nhưng vẫn giữ trọn khí tiết, trung thành bất khuất, nêu tấm gương sáng về phẩm chất người chí sĩ yêu nước, người chiến sỹ cách mạng Việt Nam.
Giữa những ngày tuyệt thực trong nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị), nghĩ đến cái chết mà nhà thơ Tố Hữu vẫn bình thản.
Nhiều người vì duyên nợ văn chương yêu nước mà phải ngồi tù; nhiều người vào tù rồi làm thơ, trở thành nhà thơ, ra tù viết hồi ký trở thành nhà văn. Tác giả Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần) cũng là một chiến sỹ cách mạng đã bị bắt, bị giam trong nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội thời kỳ 1947 - 1954.
Với tình cảm thiết tha và đầy tinh thần trách nhiệm, trong cuốn sách này, ngoài những nét chung nhất về cảnh tù đày, tác giả giúp chúng ta nhận ra tính cách cố hữu của từng văn hữu quen thuộc: ông già Sơn Nam ngồi trong nhà giam Phú Lợi (Bình Dương) mà vẫn thả hồn về miệt vườn Nam Bộ, viết "Hương rừng Cà Mau"; nhà thơ trào phúng Tú Mỡ hài hước cả khi bị bắt và khi trốn thoát khỏi đồn Tây; Nguyễn Tuân khinh bạc chỉ ghi vẻn vẹn một câu trong lý lịch để ở cơ quan Hội nhà văn “Đi - căng một năm vì chứa chấp Phùng”… Đây là một điều khác biệt giữa cuốn sách này với những cuốn đã xuất bản về chân dung nhà văn, nhà thơ Việt Nam, khơi gợi hứng thú cho độc giả. Với mỗi cây bút được đề cập trong cuốn sách, tác giả Lê Văn Ba trích đăng thơ, bút ký, truyện ngắn, hồi ký viết về nhà tù, cảnh tù đày... của họ.
Ngồi trong nhà giam Phú Lợi, nhà văn Sơn Nam vẫn thả hồn về miệt vườn Nam Bộ, viết "Hương rừng Cà Mau"
Thơ, văn viết về cuộc sống tù đày được nhiều người biết nhưng thường lẻ tẻ và xếp trong những chương, sách gọi chung là văn chương yêu nước, cách mạng. Tâm sự về dòng văn học này, Lê Văn Ba như thấy trước mặt mình cả một một gia tài đồ sộ, vô giá. Một rừng văn chương. Một dòng văn học cuồn cuộn tràn đầy sức sống xuất hiện rất sớm - thời nhà Minh, nhà Thanh đô hộ nước ta; thể hiện qua văn chương của Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Biểu, Đặng Dung...
Trong lời giới thiệu sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Hữu Thỉnh viết: “Những năm qua đã có nhiều cuộc hội thảo, lễ tưởng niệm, cùng các ngành, đoàn thể ra những cuốn sách về nhà văn liệt sỹ và chiến sỹ nhà văn. Những gì làm được quả là ít ỏi so với sự hy sinh to lớn của lớp người đi trước. Riêng mảng văn học viết về nhà tù trại giam - một mặt trận theo đúng nghĩa của nó - chưa được quan tâm thích đáng, mà nhân chứng, tư liệu ngày càng mất mát, có dấu hiệu đi vào quên lãng. Ở đây, không chỉ là giáo dục truyền thống, động viên lòng yêu nước mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là văn hóa. Trong bối cảnh đó, bộ sách "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược" có ý nghĩa như một tượng đài vinh danh các nhà thơ, nhà văn, tác gia, tác phẩm ưu tú đã làm nên một dòng văn học độc đáo trong văn học Việt Nam”.
Đỗ Hương
Tổng hợp