Viettel báo lãi gấp gần 10 lần VNPT, quy mô tài sản gấp 3,4 lần
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố báo cáo tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, năm 2023, Viettel ghi nhận tổng doanh thu đạt 172.520 tỷ đồng, vượt 2,2% kế hoạch và tăng 5,4% so với năm 2022. Doanh thu của công ty mẹ đạt 103.571 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Trừ chi phí, Viettel báo lãi trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 46.331 tỷ đồng, vượt 4,8% kế hoạch và tăng 2,6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 35.267 tỷ đồng, vượt 4,1% so với kế hoạch và tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 33.155 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.
Như vậy tính ra mỗi ngày Viettel lãi sau thuế gần 97 tỷ đồng, còn công ty mẹ lãi xấp xỉ 91 tỷ đồng/ngày. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) của Viettel năm 2023 ở mức 20,4%, tương ứng cứ 100 đồng doanh thu đem về trên 20 đồng lợi nhuận cho Viettel. Trong khi ROS của công ty mẹ là 32%, tương ứng lợi nhuận 32 đồng trên 100 đồng doanh thu.
Mức ROS này của Viettel hiện đang cao hơn hẳn "ông lớn" cùng ngành là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Theo báo cáo tài chính năm 2023 được kiểm toán, năm vừa qua VNPT ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 51.156 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 3.584 tỷ đồng, giảm lần lượt 2,4% và 34% so với năm 2022. Doanh thu thuần và lãi sau thuế của công ty mẹ lần lượt đạt 34.487 tỷ đồng (giảm 4,8% so với năm 2022) và 2.347 tỷ đồng (giảm 44%).
Tính ra, ROS của Tập đoàn VNPT chỉ khoảng 7% (100 đồng doanh thu đem về 7 đồng lợi nhuận) và ROS của công ty mẹ là 6,8%, (100 đồng doanh thu đem về 6,8 đồng lợi nhuận).
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Viettel đạt 296.249 tỷ đồng, tăng gần 11.660 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 77,7%, tương đương 230.067 tỷ đồng, bao gồm 137.583 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng 9,7% so với đầu năm.
Nợ phải trả của công ty giảm hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm, xuống 106.595 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 74.064 tỷ đồng (giảm 2.993 tỷ đồng) và nợ dài hạn là 32.531 tỷ đồng (tăng 2.392 tỷ đồng).
Vốn chủ sở hữu của Viettel đến cuối năm 2023 đạt 189.647 tỷ đồng, tăng 12.257 tỷ đồng, tương đương tăng 6,9% so với đầu năm.
Theo báo cáo của Viettel, năm 2023, kết quả kinh doanh của tập đoàn đạt tăng trưởng tích cực trên tất cả các lĩnh vực viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất và logistics.
Thị phần viễn thông của Viettel trong năm 2023 tăng thêm 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với 56,5%. Các dịch vụ ngoài di động cũng giữ vị thế số 1 gồm cố định băng rộng (FTTH) với 43% thị phần; truyền hình trên đa nền tảng với 8,6 triệu khách hàng, chiếm 31,2% thị phần.
Bên cạnh đó, doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 20,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới. Natcom vươn lên dẫn đầu tại Haiti, đưa Viettel giữ vị trí số 1 tại 6 thị trường nước ngoài (bao gồm: Natcom tại Haiti, Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Mytel tại Myamar, Telemor tại Đông timor, Lumitel tại Bunrudi).
Ngoài ra, Viettel cũng ghi nhận tăng trưởng bứt phá ở lĩnh vực logistics. Viettel Post (mã VTP) đạt mức tăng trưởng cao nhất sau 5 năm. Trong đó, lĩnh vực lõi chuyển phát tăng trưởng 31% - gấp gần 4 lần tăng trưởng chung của ngành. Nhờ đó, năm 2023, Viettel Post báo cáo doanh thu thuần đạt 19.588 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 380 tỷ đồng, tăng gần 48% so với năm trước đó.
Sang năm 2024, dù tiếp tục đặt tiêu doanh thu "đi lùi" 29% so với năm 2023, đạt 13.847 tỷ đồng nhưng Viettel Post dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ lên 384 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới.
Các doanh nghiệp niêm yết khác trong “họ” Viettel như Viettel Global (mã VGI), Viettel Construction (mã CTR), Viettel Consultancy (mã VTK) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2023.
Theo đó, năm 2023, doanh thu thuần của Viettel Global đạt 28.212 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.647 tỷ đồng, tăng lần lượt 19,4% và 6,9% so với năm 2022. Năm 2024, Viettel Global đặt kế hoạch phá kỷ lục doanh thu với kế hoạch đạt 31.746 tỷ đồng, tăng 12,5% so với thực hiện năm trước và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.477 tỷ đồng, tăng 41%.
Tương tự, Viettel Construction duy trì đà tăng trưởng kép hai chữ số trong năm 2023 với doanh thu 11.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 516 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,6% và 16,5% so với năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công bố số liệu.
Năm nay, Viettel Construction kỳ vọng sẽ tiếp tục phá đỉnh doanh thu và lợi nhuận của năm 2023 với mục tiêu đạt 12.653 tỷ đồng doanh thu và 532 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 3,1%.
Với quy mô bé hơn, Viettel Consultancy vẫn duy trì phong độ ổn định với doanh thu và lợi nhuận tăng đều qua các năm. Riêng năm 2023, công ty báo cáo doanh thu đạt kỷ lục gần 283 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch và tăng 32% so với doanh thu thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết, đạt 26 tỷ đồng, vượt 13,8% kế hoạch và tăng 25,6% so với năm 2022.
Từ đà tăng trưởng tốt trong năm 2023, năm 2024, Viettel Consultancy tiếp tục đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 352 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 36,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 23% và 13% so với năm 2023.
Trên quy mô tập đoàn, năm 2024, Viettel đặt mục tiêu doanh thu họp nhất tăng 7,2% so với năm 2023, tương đương 184.940 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, tỷ lệ hoàn vốn đạt 84%; đảm bảo vùng phủ 4G tương đương 2G và chuyển dịch toàn bộ thuê bao 2G lên 4G trước tháng 9/2024; duy trì vị thế số 1 về thị phần data center và cloud; chính thức công bố hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế...
Kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm 2023 cùng kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 cũng là những thông tin hỗ trợ tích cực cho đà tăng của các cổ phiếu “họ” Viettel trong thời gian gần đây.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 6 (kết phiên ngày 28/6), thị giá cổ phiếu VGI đã tăng gấp 4 lần, trong khi cổ phiếu VTK tăng 156%, cổ phiếu CTR tăng hơn 56% và cổ phiếu VTP tăng gần 46%.