Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất vào Mỹ
Ảnh minh họa |
Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 15,703 nghìn tấn hạt tiêu, tương đương 77,8 triệu USD, tăng 1,5 lần về khối lượng và tăng 2,02 lần về trị giá so với nửa đầu tháng 6/2023.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, cả nước đã xuất khẩu được 128,947 nghìn tấn hạt tiêu, tương đương 565,307 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,12% về khối lượng và tăng 27,1% về kim ngạch.
Top 5 thị trường xuất khẩu hạt tiêu chủ lực của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm lần lượt là: Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.
Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu vào thị trường Hoa Kỳ đạt 28,604 nghìn tấn, tương đương 128,852 triệu USD, so với cùng năm ngoái kỳ tăng 35,7% về khối lượng và tăng 53,41% về kim ngạch, chiếm tỷ trọng 26,16%.
Tiếp đến là thị trường Đức đạt 6,842 nghìn tấn, trị giá 32,834 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 85,8% về khối lượng và tăng 120% về kim ngạch, chiếm tỷ trọng 6,26%.
Thị trường Ấn Độ đứng thứ ba với 6,813 nghìn tấn, tương đương 28,006 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 38,8% về khối lượng và tăng 76,3% về trị giá, chiếm tỷ trọng 6,23%.
Hà Lan đứng thứ tư với 4,866 nghìn tấn, trị giá 24,155 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 41,9% về khối lượng và tăng 63,7 về kim ngạch, chiếm tỷ trọng 4,45%
Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đạt 5,558 nghìn tấn, trị giá 23,108 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 10,3% về khối lượng nhưng tăng 14,6% về kim ngạch, chiếm tỷ trọng 5,08%.
Top 5 thị trường xuất khẩu chủ lực hầu hết đều tăng trưởng mạnh về khối lượng và trị giá, chỉ riêng thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là giảm lượng nhập khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, với khối lượng hạt tiêu xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong 5 tháng qua đã đưa Việt Nam trở thành nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho thị trường này, so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 36% về khối lượng và tăng 53,41% về giá trị, chiếm tỷ trọng 26,16%.
Riêng tháng 5/2024, xuất khẩu hạt tiêu sang Hoa Kỳ đạt 5,838 nghìn tấn, tương đương 28,793 triệu USD, so với tháng 5/2023 tăng 7% về khối lượng và tăng 34,08% về kim ngạch.
Dẫn số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, Cục Xuất nhập khẩu XNK cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, Xứ Cờ Hoa đã nhập khẩu 27,87 nghìn tấn hạt tiêu, trị giá 130,48 triệu USD, tăng 24,5% về lượng và tăng 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các nguồn cung hạt tiêu chủ yếu cho Hoa Kỳ gồm: Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của nước này đạt mức 4.681 USD/tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu từ hầu hết các nguồn cung chủ lực giảm theo, ngoại trừ Việt Nam giá nhập khẩu không giảm.
Giá hạt tiêu nội địa tăng theo giá xuất khẩu
Theo Cục XNK, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt mức 4.443 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng trước đó và tăng mạnh 43% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 4.290 USD/tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu tăng mạnh là yếu tố chính đẩy giá hạt tiêu tại thị trường nội địa tăng cao trong thời gian qua. Đáng chú ý, vào ngày 13/6, giá hạt tiêu đen có sự biến động mạnh, giao dịch từ 176.000 – 180.000 đồng/kg, đạt mức cao nhất trong lịch sử ngành hàng. Hiện nay, giá hạt tiêu nội địa mặc dù giảm so với mức đỉnh ghi nhận trước đó nhưng vẫn ở mức cao.
Dự báo đà tăng của giá tiêu sẽ chậm lại trong thời gian tới, nhưng giá vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế, nhu cầu vẫn tăng. Tại các nước sản xuất như Brazil, Indonesia và Việt Nam dự báo sản lượng vụ mùa năm nay sẽ giảm.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2020 diện tích hồ tiêu đạt hơn 130.000 ha, ba năm sau diện tích ước giảm 10.000 ha, còn khoảng 120.000 ha, sản lượng đạt 190.000 tấn. Năm 2024, ước tính sản lượng hạt tiêu tiếp tục giảm 10% so với năm 2023 còn khoảng 170.000 tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây. Song, diện tích cây tiêu có thể chưa dừng lại ở mức giảm này vì loại cây này đang bị cạnh tranh gay gắt từ cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPPA), nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân chính đã đẩy giá hạt tiêu tăng “nóng” trong thời gian qua.