Việt Nam và Macau (Trung Quốc) hợp tác khôi phục, mở rộng thị trường lao động và du lịch
Theo Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm, hiện có hơn 7.000 lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Macau. So với thời kỳ đỉnh điểm với hơn 20.000 lao động thì con số này đã giảm gần 2/3.
Tổng Lãnh sự cho biết Việt Nam hiện là nguồn cung ứng lao động chất lượng cao cho nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường Đông Bắc Á. Tính đến tháng 6/2023, có khoảng 49.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; trên 77.000 lao động Việt Nam tại Nhật Bản, chiếm 25% tổng lao động nước ngoài của nước này; khoảng 258.000 lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), chiếm 35% tổng lao động nước ngoài tại địa bàn… Lao động Việt Nam ở các thị trường này được đánh giá cần cù và có kỹ năng, đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế sở tại.
Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm (trái) làm việc với Bộ trưởng An ninh Macau Wong Sio Chak. (Ảnh: TLSQ Việt Nam tại Hong Kong và Macau) |
Ông Phạm Bình Đàm khẳng định tiềm năng thị trường lao động giữa Việt Nam và Macau còn rất lớn, lao động Việt Nam có thể đóng góp tích cực vào nền kinh tế Macau. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy và khai thác hiệu quả thị trường rộng lớn này.
Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm cho biết hiện visa đang là rào cản lớn nhất đối với lao động Việt Nam, đề nghị phía Macau quan tâm, cùng phối hợp tháo gỡ, như rút ngắn thời gian cấp visa, đơn giản hoá thủ tục hành chính; đặc biệt là xem xét lại quy trình cấp visa cho người lao động Việt Nam gia hạn hợp đồng tại Macau…; đồng thời cho biết sẵn sàng phối hợp với phía Macau để xử lý tốt các vấn đề liên quan đến người Việt Nam định cư bất hợp pháp tại đây.
Bộ trưởng Bộ An ninh Macau Wong Sio Chak ghi nhận và chia sẻ các ý kiến của Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm; nhất trí cùng phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề visa cho lao động Việt Nam. Bộ trưởng cũng chia sẻ tỷ lệ lao động Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại còn cao so với lao động các nước khác; đề nghị phía Việt Nam tăng cường các biện pháp phối hợp xử lý.
Đoàn Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau làm việc với Cục Du lịch Macau. (Ảnh: TLSQ Việt Nam tại Hong Kong và Macau) |
Về du lịch, Cục trưởng Cục du lịch Maria Helena de Senna Fernandes cho biết Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến ưu thích của du khách Macau, nhất là Đà Nẵng. Hiện đã có một số công ty du lịch, các hãng lữ hành Macau đẩy mạnh các tour du lịch đến Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch hai chiều vẫn còn khá hạn chế; đề nghị có các chương trình xúc tiến du lịch chung.
Đồng quan điểm trên, Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm cho rằng với sự gần gũi về địa lý, tính tương đồng về văn hoá, sự kết nối về giao thông, tiềm năng phát triển du lịch giữa Việt Nam và Macau còn rất lớn; cần thiết triển khai ngay các biện pháp nhằm khôi phục và mở rộng thị trường du lịch hai chiều.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Macau từ ngày 13 đến 14/4/2023, Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm đã có cuộc gặp với Trưởng Đặc khu hành chính Macau Hạ Nhất Thành. Hai bên đạt được sự nhất trí cao trong việc hợp tác thúc đẩy quan hệ song phương, phối hợp xử lý tốt các vấn đề liên quan đến lao động và gỡ bỏ hạn chế visa cho lao động và du khách Việt Nam.