Việt Nam và lãnh đạo toàn cầu kêu gọi tạo hệ thống y tế có sức chống chịu
Tiến sỹ Trần Thị Mai Oanh phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh về tăng cường sức chống chịu của hệ thống y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Tối 30/1, các chuyên gia y tế Việt Nam đã tham gia trực tuyến cùng các cựu nguyên thủ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế các nước cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn để kêu gọi áp dụng một Khung đánh giá trên toàn cầu nhằm tăng cường các hệ thống y tế, đảm bảo khả năng chống chịu trước các khủng hoảng trong tương lai.
Tiến sỹ Trần Thị Mai Oanh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) đã phát biểu trong một diễn đàn giữa các chuyên gia thuộc khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống y tế (Healthcare System Resilience Summit), tại Triển lãm thế giới - EXPO 2020 Dubai.
Khung đánh giá cũng như sự kiện này cùng thuộc Hợp tác vì Tính bền vững và Khả năng chống chịu của Hệ thống y tế (PHSSR) - một chương trình đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2020 dưới sự phối hợp giữa Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và AstraZeneca.
Tại diễn đàn, Tiến sỹ Oanh chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới y tế tuyến cơ sở phủ rộng với hơn 11.000 cơ sở y tế xã, phường đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm, theo dõi và kiểm soát tốt COVID-19 cũng như tiêm chủng vaccine thần tốc cho cộng đồng.
Bà Trần Thị Mai Oanh nhấn mạnh: “Mặc dù đạt được những thành công nhất định, hệ thống y tế Việt Nam đã chịu không ít ảnh hưởng bởi COVID-19 và gánh nặng có sẵn từ các bệnh không lây nhiễm. Việc thực hiện Khung đánh giá của PHSSR đã giúp chúng tôi xác định các lĩnh vực y tế cần được đầu tư và đổi mới nhiều hơn, để tăng cường toàn diện tính bền vững và sức chống chịu của hệ thống y tế. Việt Nam cũng mong muốn hỗ trợ việc áp dụng rộng rãi hơn Khung đánh giá này như một cơ chế toàn cầu để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.”
Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho biết hội nghị thượng đỉnh này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với các hệ thống y tế vẫn đang chịu áp lực lớn mặc dù đã hai năm kể từ đầu đại dịch. Các chuyên gia hoàn toàn đúng đắn khi khuyến nghị việc cần làm trước hết vẫn là chống dịch, nhưng sau đó cần hiện đại hóa và củng cố toàn diện hệ thống y tế. Hy vọng những kinh nghiệm áp dụng hiệu quả Khung đánh giá PHSSR tại Việt Nam thời gian qua sẽ giúp ích cho các quốc gia khác.
Một số diễn giả khác đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh bao gồm: Lena Hallengren, Bộ trưởng Bộ Y tế và Các vấn đề xã hội của Thụy Điển; ông Jose Manuel Barroso - Chủ tịch GAVI, Liên minh vaccine và cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu; ông Malcolm Turnbull - nguyên Thủ tướng Australia; Giáo sư Ahmed Aljeadi - Thứ trưởng Bộ Y tế, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); Borge Brende, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Na Uy và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới…
Khung đánh giá PHSSR được phát triển bởi Đại học Kinh tế London, hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và AstraZeneca, thuộc Hợp tác vì Tính bền vững và Khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế (PHSSR).
PHSSR với mục đích giúp xây dựng các hệ thống y tế vừa có khả năng chống chịu trước các khủng hoảng, vừa bền vững khi đối mặt với áp lực kéo dài. Chương trình cung cấp các công cụ và nguồn lực cho nghiên cứu, trở thành đơn vị kết nối cho sự hợp tác và trao đổi kiến thức trong và giữa các quốc gia đồng thời là nền tảng để chia sẻ, thúc đẩy việc áp dụng những hiểu biết sâu sắc, mang tính đột phá.
Khung đánh giá này đã được triển khai thử nghiệm tại Việt Nam và bảy quốc gia khác (Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Ba Lan và Nga), giúp đánh giá hệ thống y tế dựa trên các tiêu chí khung. Sau đó, một kế hoạch hành động đã được thiết lập cho mỗi quốc gia với các bước để các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách y tế có thể cân nhắc để củng cố các hệ thống, chuẩn bị cho các khủng hoảng tương lai.
Trong năm 2022, Khung đánh giá này sẽ được áp dụng ở thêm 12 quốc gia khác.