Việt Nam ưu tiên gì khi làm Chủ tịch HĐBA Liên Hợp quốc?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Thành Nam |
Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA trong hai tháng, tháng 1/2020 và tháng 4/2021. Khối lượng công việc rất lớn, nhất là trong tháng đầu tiên của một nhiệm kỳ. “Thông thường các thành viên có 1 năm chuẩn bị trước khi đảm trách vai trò này, nhưng ta chỉ có 6 tháng kể từ khi đắc cử”, ông nói.
Về những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia HĐBA, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, đóng góp của Việt Nam vào HĐBA dựa trên cơ sở là những chương trình nghị sự của Hội đồng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu, hòa bình an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường như quan hệ giữa các nước lớn đang chia rẽ ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa đa phương gặp thách thức chưa từng có, xung đột ở nhiều khu vực,chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các hành động đơn phương, xu hướng muốn đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực gia tăng...
Khi làm Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ hết sức coi trọng các vấn đề quốc tế còn nhiều quan điểm khác biệt như cuộc chiến ở Syria, hạt nhân Triều Tiên, tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, căng thẳng giữa Israel và Palestine… những vấn đề nóng nêu trên chiếm phần lớn trong các chương trình nghị sự của HĐBA và cần phải nghiên cứu kỹ tình hình.
Theo đó, đầu tiên phải lắng nghe quan điểm của các bên liên quan trực tiếp; xem xét các vấn đề dựa trên nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc với mục đích hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh; tôn trọng độc lập chính trị, quyền dân tộc tự quyết của các quốc gia, các dân tộc; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa và không sử dụng vũ lực; đồng thời, Việt Nam chống khủng bố dưới mọi hình thức.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, xu thế chính trên thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, quan hệ hữu nghị với nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là những thuận lợi của Việt Nam trong năm làm Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc.
Việt Nam sẽ tích cực góp phần phát huy vai trò của HĐBA để thế giới hòa bình, ổn định hơn. Khi tình hình thế giới ổn định, Việt Nam sẽ có môi trường quốc tế thuận lợi cho hợp tác, phát triển kinh tế với các nước khác. Qua đó, Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương, quan hệ với các tổ chức, khu vực; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư; giới thiệu về đất nước, con người, về thành tựu, năng lực của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Hơn nữa, năm 2020, Việt Nam còn là Chủ tịch của ASEAN, do đó Việt Nam có điều kiện là thúc đẩy vấn đề này.
Trước các vấn đề quốc tế lớn, các nguyên tắc giải quyết vấn đề khu vực, quan điểm của Việt Nam là tích cực và xây dựng. Việt Nam có những thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội tạo ra vị thế nhất định, nhiều kinh nghiệm khi từng làm Ủy viên không thường trực HĐBA năm 2008-2009, kinh nghiệm tổ chức các diễn đàn đa phương…
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam tham gia HĐBA giúp thuận lợi cho quá trình phát triển, thúc đẩy quan hệ với các đối tác, gia tăng cơ hội giới thiệu quảng bá đất nước, con người, thành tựu của Việt Nam....
Qua trao đổi tham vấn các quốc gia, Thứ trưởng cho biết, đa số thành viên đều mong muốn Việt Nam phát huy các giá trị về phương diện đề cao độc lập dân tộc, ngăn ngừa xung đột, khát vọng hòa bình; Phát huy kinh nghiệm tái thiết đất nước sau chiến tranh, về vấn đề hòa giải với các nước cựu thù; vai trò trong các thể chế khu vực và bản sắc ngoại giao đối ngoại…