Việt Nam tỏ rõ quyết tâm chung đẩy lùi nạn mua bán người
Đồn biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị bàn giao cháu bé sơ sinh được giải cứu khỏi đường dây mua bán người cho Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Biên phòng) |
Với đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, Việt Nam thường xuyên phải đối phó với nạn mua bán người. Theo Bộ Công an, phần lớn nạn nhân buôn người bị bán sang các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, 20% sang các nước khác qua đường bộ, hàng không, đường biển. Từ năm 2011 đến nay, ngành công an đã xác minh, giải cứu hàng nghìn nạn nhân bị mua bán.
Trên cơ sở đặt quyền lợi con người làm trung tâm các quyết sách, trong những năm qua, Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống mua bán người. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp và coi đây là cuộc chiến không khoan nhượng.
Cụ thể, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
Ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Từ ngày 1/1/2022, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 cũng chính thức có hiệu lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở nước ngoài và phòng ngừa nạn buôn người “núp bóng”.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mua bán người cũng được đẩy mạnh, nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7 đã góp phần lan tỏa nhận thức, trách nhiệm đối phó với loại tội phạm này trong cộng đồng.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP); tham gia Nghị định thư về phòng ngừa trấn áp và trừng phạt nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Nghị định thư Palermo),…
Cùng với đó, Việt Nam không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, ngày 18/7 vừa qua, liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng và Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Quy chế quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên, cũng như quy trình tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân mua bán người, bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân của họ khi có sự việc xảy ra.
Tại Lễ ký, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung của các cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền, lợi ích của nạn nhân bị mua bán.
Đáng buồn là những nỗ lực phòng chống mua bán người của Việt Nam chưa được nhìn nhận một cách toàn diện, chính xác khi vừa qua Bộ Ngoại giao Mỹ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới, trong đó có nêu tên Việt Nam và một số quốc gia khác.
Ngay sau đó, trả lời câu hỏi của báo chí Việt Nam trước báo cáo trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới có các thông tin "không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”.
Cùng ngày, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cũng bày tỏ mong muốn phía Mỹ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.
Qua đó có thể thấy rõ, song song với việc ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các Bộ, ngành và địa phương, Việt Nam cũng tỏ rõ tinh thần cầu thị, sẵn sàng hợp tác quốc tế trong phòng chống loại tội phạm này để hướng đến mục tiêu cuối cùng là đẩy lùi nạn mua bán người, bảo đảm quyền và lợi ích cho người dân.