Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy tiềm năng nguồn nhân lực nữ
Tiềm năng dồi dào
Theo nhận định của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên toàn cầu thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, một trong những yếu tố giúp Việt Nam đạt thành quả này chính là việc Chính phủ Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý về Luật Bình đẳng giới, Luật Bầu cử Quốc hội, Bộ luật Lao động, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2011-2020 một cách cụ thể, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (ảnh: Dân Trí).
Tuy nhiên, theo bà Ninh, tỉ lệ nữ có tăng ở các vị trí lãnh đạo tại Quốc hội, Chính phủ, cơ quan của Đảng nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các DN do phụ nữ lãnh đạo thường tham gia vào các hoạt động kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ lẻ nên còn gặp nhiều khó khăn trong khả năng tiếp cận vốn, công nghệ; hạn chế trong quay vòng vốn tự có so với nam giới, từ đó tỷ suất lợi nhuận chưa cao.
Giải pháp để phát huy nguồn lực lao động nữ
Từ những vấn đề trên, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, cần phải có những chính sách vĩ mô cũng như vi mô làm thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về những cơ hội để cho người phụ nữ có thể vươn lên khẳng định vị thế của mình. Đồng thời, hơn ai hết bản thân những người phụ nữ phải nuôi dưỡng khát vọng, đam mê của mình để thành công trong mọi lĩnh vực.
“Là một người phụ nữ, bên cạnh làm tốt vai trò của một người mẹ, người vợ, việc lựa chọn con đường làm khoa học có nhiều chông gai và thách thức, phải bắt nguồn từ niềm say mê công việc, dám nghĩ, dám làm, để mong muốn tìm ra những nghiên cứu đóng góp vào hành trình chữa bệnh cứu người nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung . Đó chính là động lực, là cái gốc của mọi thành công”, TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Theo bà Đỗ Mỹ Ninh, Giám đốc Tiếp thị toàn quốc Google Việt Nam, bản thân những người phụ nữ phải tự đặt mình ngang hàng với nam giới. Đó là chấp nhận phân công công việc, khối lượng, vị trí làm việc như nam giới và phấn đấu để đạt được hiệu quả công việc tốt. Có như vậy mới tạo ra sự thay đổi về cách nhìn nhận vị trí, năng lực của người phụ nữ trong xã hội.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang phát động những chiến dịch về bình đẳng giới, như dự án NESCAFÉ Plan được xây dựng và thực hiện bởi Nestlé Việt Nam. Dự án đã góp phần nâng cao vai trò quản lý của người phụ nữ, đặc biệt là nữ nông dân. Cụ thể như hoạt động đào tạo và xây dựng “Nữ trưởng nhóm nông dân trồng cà phê” được triển khai tại Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai trong nhiều năm qua.
Nhiều chị em nông dân chia sẻ, trước đây, họ không có kiến thức về trồng trọt, chăm sóc và kinh doanh cà phê, nhưng sau khi tham gia vào “Nữ trưởng nhóm nông dân trồng cà phê”, nhiều chị em không chỉ làm giàu từ vườn cà phê của mình mà còn là những trưởng nhóm mạnh dạn, tự tin thuyết trình trước đông người.
Nestle Vietnam tặng hoa nhân viên nữ nhân ngày 20/10. Ảnh: PLO.
Theo bà Nguyễn Minh Nguyệt, Giám đốc ngành hàng thực phẩm, thành viên Ban Giám đốc Nestlé Việt Nam, những nỗ lực của phụ nữ nông thôn qua nhiều chương trình phát triển nông thôn mới nói chung và dự án NESCAFÉ Plan nói riêng đã minh chứng cho sự nỗ lực của bản thân họ và khẳng định vai trò của người phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và thế giới..
“Tập đoàn Nestlé coi đẩy mạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trong những chiến lược xuyên suốt để phát triển bền vững. Theo đó, phụ nữ ở bất cứ vị trí nào luôn đóng vai trò quan trọng, là sự kết hợp hoàn hảo với những điểm mạnh của nam giới, mang lại thành công cho Công ty cũng như toàn xã hội”, bà Nguyệt cho biết.
Trong khi đó, tập đoàn P&G, tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đang phối hợp thực hiện dự án “Bứt phá” tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn. Dự án được triển khai trong hai năm 2018 – 2019 với nguồn kinh phí hơn bốn tỷ đồng dành cho công tác xây dựng các “nhóm cổ phần tài chính tự quản”, hay còn gọi là “nhóm tiết kiệm thôn bản”.
Được biết, hình thức nhóm cổ phần tài chính tự quản đã được tổ chức CARE thực hiện thành công, đem lại dấu ấn sâu đậm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và nâng cao quyền phụ nữ ở rất nhiều quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh suốt hơn 30 năm qua. Tại Việt Nam, mô hình được xây dựng từ năm 2010 với hơn 550 nhóm hoạt động, và dự án “Bứt phá” sẽ giúp hỗ trợ lập thêm khoảng 240 nhóm tương tự tại bốn tỉnh nói trên.
Ngọc Giang