Việt Nam - Nhật Bản: Lịch sử gắn kết lâu đời, hiện tại và tương lai hợp tác sâu rộng
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam, các cơ quan giáo dục, trường đại học của Nhật Bản.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang (bìa phải), Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi với GS.TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật. (Ảnh: Mai Anh) |
Trong thông điệp gửi tới Hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có truyền thống lịch sử lâu đời từ thời cổ trung đại. Năm 1973 hai nước chính thức thiệt lập quan hệ ngoại giao và hiện tại đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Hội thảo là một minh chứng cho thấy mối liên hệ, gắn kết lịch sử lâu đời cũng như sự phát triển sâu rộng trong quan hệ hai nước hiện tại, đồng thời góp phần mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và hoạt động giáo dục giữa hai nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu rõ: Hội thảo nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu Việt Nam của các học giả Nhật Bản và kết quả nghiên cứu Nhật Bản của các học giả Việt Nam. Đồng thời tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh của hai nước được trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và giáo dục lịch sử ở hai nước trong thời gian tới.
Trong báo cáo đề dẫn với chủ đề "Việt Nam học ở Nhật Bản", GS.TS Furuta Motoo và GS.TS Momoki Shiro, Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin: Ngay từ đầu thế kỉ XX các nhà trí thức cổ trung đại Nhật Bản đã có một số hiểu biết nhất định về Đông Nam Á và Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam học đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu Nhật Bản và đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ Việt - Nhật ngày càng phát triển. Trong giới học thuật, sự mở rộng của nghiên cứu sang các lĩnh vực khác nhau cũng như nghiên cứu sát thực về thực trạng xã hội của Việt Nam đã và đang góp phần không nhỏ cho quan hệ đối tác bình đẳng giữa hai nước. Nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống trong nghiên cứu các đề tài siêu quốc gia cần được bù đắp bằng thông tin về Việt Nam.
Các khách mời tham dự Hội thảo. (Ảnh: Mai Anh) |
“Điều đó đòi hỏi giới học thuật Việt Nam học tại Nhật Bản, Nhật Bản học tại Việt Nam cũng như ngành nghiên cứu quan hệ và nghiên cứu so sánh Việt - Nhật đẩy mạnh hợp tác để tạo ra được tính hấp dẫn mới mẻ cho ngành nghiên cứu khu vực học nói chung và Việt Nam học nói riêng”, GS.TS Momoki nói.
Hệ thống hóa nghiên cứu về Nhật Bản
Báo cáo tổng quan kết quả nghiên cứu về Nhật Bản, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: Từ khoảng giữa thập niên 1950 đến 1973, sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản trở thành chủ đề tìm hiểu và nghiên cứu của các học giả miền Nam Việt Nam như Đào Trinh Nhất, Trần Minh Tiết, Nhật Chiêu, Nguyễn Văn Xuân... Các công trình của thế hệ nghiên cứu này đã cung cấp những hiểu biết tổng quan về lịch sử, chính trị, tư tưởng và giáo dục của Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào thập niên 70 của thế kỉ XX.
Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, việc nghiên cứu Nhật Bản đã trở thành xu thế và có nhiều điều kiện thuận lợi. Các trung tâm, viện và khoa chuyên nghiên cứu, giảng dạy về Nhật Bản cũng được thành lập như: Khoa Đông Phương học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội); Khoa Đông Phương (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); các khoa, trung tâm đào tạo Nhật Bản ở Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Khoa học Huế, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á…
Những năm gần đây xuất hiện nhiều nghiên cứu mang tính liên ngành từ kinh tế, chính trị đến môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu, đời sống văn hoá - xã hội đương đại, nghiên cứu về các chính sách văn hoá, ngoại giao văn hoá, quyền lực mềm của Nhật Bản, các tôn giáo mới ở Nhật Bản,...
GS.TS Nguyễn Văn Kim trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Mai Anh) |
Mặc dù đã có sự gia tăng về số lượng và chất lượng nghiên cứu nhưng vẫn còn những lĩnh vực chưa đạt được kết quả như mong đợi với cả hai loại hình nghiên cứu: Nghiên cứu lý thuyết và Nghiên cứu ứng dụng (thực nghiệm). Do đó, cần tăng cường hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản để thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, chuyên sâu.
Hội thảo gồm hai tiểu ban: Quan hệ Việt – Nhật trong thời kỳ tiền cận đại; Quan hệ Việt – Nhật thời kỳ cận hiện đại với gần 20 báo cáo tham luận của các học giả đến từ Việt Nam và Nhật Bản. Các nghiên cứu chuyên sâu, công phu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước góp phần hệ thống hoá và cập nhật các tư liệu và kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua của giới học giả Việt Nam và Nhật Bản về lịch sử hai nước (nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản và nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam), qua đó chia sẻ và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Cũng tại Hội thảo, các nhà khoa học gợi mở những hướng nghiên cứu mới, các phương pháp và tư duy nghiên cứu mới của ngành sử học ở Việt Nam và Nhật Bản, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khoa học và giáo dục lịch sử ở hai nước.