Việt Nam lần đầu tiên có Cử nhân chuyên ngành Hoạt động trị liệu
Đại diện USAID, MCNV, HI, trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và 36 cử nhân hoạt động trị liệu đầu tiên tại Việt Nam trong lễ tốt nghiệp. |
Đây là kết quả bước đầu của Dự án 5 năm (2016-2020) về phát triển đào tạo hoạt động trị liệu (HĐTL) tại Việt Nam, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) và tổ chức Humanity & Inclusion (HI).
Chương trình Cử nhân Hoạt động Trị liệu được MCNV thực hiện với sự phối hợp của Đại học (ĐH) Kỹ thuật Y tế Hải Dương, ĐH Y Dược TP.HCM, với mục tiêu phát triển đội ngũ nhân lực về HĐTL thông qua việc xây dựng các điều kiện tiền đề phát triển ngành HĐTL tại Việt Nam.
Các hoạt động chính của dự án bao gồm: cung cấp giảng viên nòng cốt về HĐTL, phát triển chương trình học chuẩn năng lực, biên soạn các tài liệu dạy học và thúc đẩy các chính sách về HĐTL tại Việt Nam.
Dự án nhận được sự ủng hộ từ Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Phục hồi chức năng Việt Nam và sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương...
Đặc biệt, chương trình được hỗ trợ kỹ thuật từ Đại học Manipal (Ấn Độ), đơn vị có hơn 50 năm kinh nghiệm trong đào tạo và phát triển HĐTL.
Quyền Giám đốc phòng Môi trường và Phát triển USAID, ông Anthony Kolb trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp. |
Bày tỏ sự vui mừng tại lễ tốt nghiệp của 36 tân cử nhân khóa đầu tiên chuyên ngành HĐTL tại Việt Nam, Quyền Giám đốc phòng Môi trường và Phát triển USAID Anthony Kolb đánh giá đây là một kết quả đáng ghi nhận trong dự án 5 năm về phát triển đào tạo hoạt động trị liệu tại Việt Nam do USAID tài trợ thông qua MCNV & HI.
Ông nhấn mạnh: Hỗ trợ người khuyết tật là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của USAID tại Việt Nam. Từ năm 1989, thông qua Quỹ Leathy War Victims, USAID đã bắt đầu các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh, xung đột.
Cụ thể, USAID đã tài trợ hơn 100 triệu USD để nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, thông qua việc đáp ứng các nhu cầu về y tế, xã hội, cải thiện chính sách, giảm thiểu rào cản vật lý, xã hội đối với người khuyết tật. Ước tính hơn 30.000 người khuyết tật Việt Nam đã nhận được những hỗ trợ từ USAID. Bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, USAID cũng hợp tác với nhiều tổ chức khác để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Đại diện USAID cũng cho biết, HĐTL trên thế giới đã có lịch sử hơn 100 năm, đóng vai trò thiết yếu trong công tác phục hồi chức năng. Ý thức được điều này, chính phủ, ngành y tế Việt Nam đã đưa HĐTL vào chiến lược tầm nhìn đến 2030. Đây là lý do USAID quyết định tài trợ cho dự án đào tạo cử nhân HĐTL.
Đại diện Bộ Y tế, Trưởng phòng Phục hồi chức năng – Giám định, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lê Tuấn Đống đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các tổ chức quốc tế như USAID, HI và MCNV đã đồng hành chặt chẽ cùng ngành y tế Việt Nam đào tạo khóa cử nhân đầu tiên về HĐTL, giúp cung cấp nguồn nhân lực cho một lĩnh vực còn rất non trẻ.
Cử nhân Nguyễn Sĩ Phú đại diện các sinh viên nhận bằng tốt nghiệp ngày 6/8 phát biểu. |
Đại diện các sinh viên nhận bằng tốt nghiệp HĐTL khóa đầu tiên, cử nhân Nguyễn Phú Sĩ chia sẻ: Chương trình học đã giúp nhiều sinh viên, từ chỗ chưa hiểu rõ những khái niệm cơ bản của hoạt động trị liệu đã có thể nắm vững các kiến thức mới để ứng dụng tại đơn vị công tác. Đặc biệt, một số bệnh viện, cơ sở y tế có học viên tham gia chương trình đã mở phòng HĐTL, tạo cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp được trau dồi, rèn luyện những gì đã được học qua chương trình.
Theo chia sẻ của Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam, ông Phạm Dũng, trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật trong đào tạo HĐTL, MCNV sẽ chú trọng tới các hoạt động như hướng nghiệp, vận động chính sách..., để đảm bảo đội ngũ nhân lực HĐTL của Việt Nam sẽ phát triển vững mạnh cả về chất và lượng trong tương lai.
Hơn 4 năm qua, Dự án của MCNV đã gửi nhóm 5 giảng viên nguồn từ ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y dược TP.HCM sang theo học chương trình Cử nhân về HĐTL tại Ấn Độ. Từ tháng 3/2017, đã có tổng số 57 sinh viên theo học khoa Cử nhân đầu tiên về HĐTL tại ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y dược TP.HCM. MCNV cũng hỗ trợ việc thành lập hai phòng thực hành HĐTL tại hai ĐH này.
Hoạt động trị liệu (HĐTL) là một chuyên ngành y khoa lấy người bệnh làm trung tâm hướng đến việc thúc đẩy sức khỏe người bệnh thông qua trị liệu. Mục tiêu quan trọng của HĐTL là cho phép người bệnh tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam, dịch vụ này vẫn chưa phát triển. Đa số các kỹ thuật viên thực hiện chưa được đào tạo về HĐTL, hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn với kiến thức cơ bản. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có các chương trình đào tạo chính thức về HĐTL. Chỉ có một số ít các chương trình đào tạo về Vật lý trị liệu có lồng ghép một số giờ học (30-90 giờ) HĐTL, trong điều kiện thiếu thốn tài liệu dạy và học, trang thiết bị, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu đào tạo chuyên sâu. |
Tình hữu nghị Việt Nam – Hà Lan ngày càng sâu đậm Hiệp định vừa được ký kết sẽ cho phếp các thành viên gia đình của cán bộ sứ quán và cơ quan lãnh sự của ... |
Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam: Giúp hàng trăm em bé Chăm H’roi ngoan khỏe Cách thành phố Tuy Hòa hơn 100 km về phía Tây Bắc, xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Ðồng Xuân (Phú Yên) biệt lập với ... |
Nỗ lực cho lớp học tiếng Việt tại Hà Lan Câu chuyện của hai cháu Ly và My và thực trạng tiếng Việt hạn chế của con em Việt Kiều tại Hà Lan đã thúc ... |