Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam: 50 năm và những câu chuyện cảm động
Trong suốt 50 năm qua, người bạn hữu ấy vẫn thủy chung, bền bỉ sát cánh bên Việt Nam trên từng bước phát triển, từ tái thiết đất nước tới Đổi mới, hiện đại hóa cũng như phát triển bền vững.
Tại lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 50 của MCNV tại Hà Nội vừa qua, nhiều câu chuyện đẹp đã được kể lại, trong những cuộc hội ngộ xúc động của những “nhân vật chính”. Họ là những người bạn Hà Lan đã và đang đồng hành với Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ bằng nguồn nhiệt huyết chưa bao giờ vơi cạn...
Khi đất lạ trở thành quê nhà thứ hai
50 năm trước, ở tuổi đôi mươi, Adrianus Spijker (Ad) đã có những tháng năm sôi nổi đáng nhớ, khi hòa vào làn sóng phản đối chiến tranh đầy tính nhân văn của những người Hà Lan tiến bộ.
Giữa thời kỳ chiến tranh leo thang ác liệt, là một tình nguyện viên của MCNV, chàng thanh niên trẻ ở thành phố Nijmegen đã hăng hái tham gia vào hầu hết các hoạt động viện trợ nhân đạo như vận động quyên góp tiền, nhu yếu phẩm, thuốc men gửi tới Việt Nam.
Thuốc men được viện trợ cho Việt Nam thông qua MCNV cuối thập niên 60. Ảnh tư liệu MCNV
Năm 1973, MCNV khởi xướng việc xây dựng một bệnh viện lắp ghép cho tỉnh Quảng Trị, “chảo lửa” của cuộc chiến. Cùng với nhiều tình nguyện viên khác, Ad đã miệt mài dành hai năm để vận động các nguồn viện trợ để góp phần hiện thực hóa ý tưởng giàu tính nhân văn này.
“Trong giai đoạn khó khăn đó, ở Việt Nam, những vật liệu xây dựng như xi-măng, sắt thép, xăng dầu đều thiếu thốn. Bởi vậy, từng “mảnh ghép” của bệnh viện đã được hoàn thiện tại Hà Lan, rồi chuyển tới Việt Nam qua cảng Hải Phòng để đến với Đông Hà, Quảng Trị” ông Ad nhớ lại.
Sau hơn hai năm xây dựng, dưới sự hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Hợp tác & Phát triển Jan Pronk và của tất cả các trường đại học Hà Lan, năm 1977, bệnh viện Hà Lan chính thức khánh thành. Đây là một bước ngoặt quan trọng giữa thời điểm ngành y tế hậu chiến còn nhiều hạn chế. Đặc biệt tại tỉnh nghèo Quảng Trị, điểm nóng của vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, sự ra đời của bệnh viện Hà Lan có một vai trò vô cùng quan trọng khi góp phần đem lại sự sống cho rất nhiều nạn nhân của bom mìn.
Ông Ad Spijker và hai chị em Hà-Lan, cặp song sinh chào đời tại bệnh viện Hà Lan năm 1977. Ảnh: PY
Chiến tranh kết thúc, Ad vẫn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước. Năm 1976, ông đến Việt Nam trong một dự án về y tế. Năm 1984, ông quay trở lại với vai trò đại diện Tổ chức nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các dự án về dinh dưỡng.
Tình cảm của Ad đối với Việt Nam trở nên ngày càng sâu sắc khi ông tìm được “một nửa” của mình tại quê hương thứ hai.
Sau này, những nhiệm vụ công tác của FAO đã đưa Ad rời Việt Nam để tới hỗ trợ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Công-gô. “Đi thật xa để trở về”, sau những chuyến hành trình đó, nơi Ad chọn để quay trở lại luôn là Việt Nam. Ở tuổi ngoài 70, cựu tình nguyện viên nhiệt huyết của MCNV đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ cho Việt Nam với vai trò là chuyên gia tư vấn độc lập về nông nghiệp, lương thực.
Nhà khoa học "cắm bản" săn muỗi
Sau khi chiến tranh kết thúc, người dân Việt Nam phải đối diện với vô vàn khó khăn, trong đó có sự hoành hành của dịch bệnh như sốt rét.
Gian nan như “lửa thử vàng”, nghịch cảnh lại một lần nữa chứng minh sức sống bền bỉ của tình cảm đẹp đẽ người Hà Lan dành cho Việt Nam. Năm 1987, Ron Marchand, một chuyên gia về kí sinh trùng đã tình nguyện tạm biệt gia đình nhỏ để bắt đầu hành trình cùng người dân Việt Nam đẩy lùi dịch sốt rét.
Là một chuyên gia tận tâm của MCNV, trong hơn 20 năm lưu lại đất nước hình chữ S, Ron đã đặt chân đến hầu hết những điểm nóng của sốt rét ở Quỳ Hợp (Nghệ An), Sơn Hòa (Phú Yên), Cần Giuộc (Long An), Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Đến từ một đất nước phát triển, song ông không hề ngần ngại chia sẻ cuộc sống với những người dân tộc thiểu số thiếu ăn thiếu mặc, sống trong những lán trại đơn sơ giữa rừng.
Ron Marchand trong những năm cùng người dân vùng núi chống sốt rét. Ảnh cắt từ băng tư liệu của VTV4.
Hơn hai mươi năm “cắm bản”, không ít lần, Ron đã lặn lội qua những vùng “rừng thiêng nước độc” để... săn muỗi. Có những đêm sương rừng lạnh buốt, ông cùng các cộng sự vẫn cắn răng “trực chiến”, lấy thân mình làm “mồi nhử” muỗi để bắt về nghiên cứu.
Tâm huyết với công việc đã giúp Ron có được những phát hiện quan trọng, điển hình là hiện tượng loài muỗi truyền bệnh sốt rét đã tăng sức chống chịu đối với nhiều loại hóa chất diệt trừ thường dùng. Từ đây, ông đã đề xuất MCNV giúp đỡ Chương trình phòng chống sốt rét (PCSR) ở Việt Nam theo một hướng đi mới, không chỉ về cung cấp vật tư, hóa chất, thuốc men mà chú trọng hơn đến tư vấn kỹ thuật, tập huấn, giáo dục cho cộng đồng hình thành những thói quen bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa sự truyền bệnh của muỗi.
Những sáng kiến của Ron và các cộng sự đã đem lại kết quả khả quan, đặc biệt là ở địa bàn nóng của dịch sốt rét là xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Từ chỗ 90% trẻ em nhiễm ký sinh trùng sốt rét với tỉ lệ kháng thuốc 80%, tỉ lệ mắc bệnh ở Khánh Phú đã hạ xuống mức 50%, rồi 12% và hiện nay là dưới 3%. Sự lan truyền bệnh trong các thôn xóm hiện chỉ tồn tại ở mức dưới 1%/năm.
Nhiều ứng dụng về phòng chống sốt rét của Ron Marchand và MCNV đã được một số đơn vị đến học tập, trong đó có Đại học Oxford (Anh), Đại học Nagasaki (Nhật Bản) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Khi bệnh sốt rét đã được đẩy lùi vào những năm 2000, Ron Marchand vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam. Chính ông đã đến thăm từng nhà dân khó khăn, tìm hiểu căn nguyên cái nghèo và thuyết phục MNCV tiếp tục tài trợ cho dự án “Phát triển sức khỏe và đời sống do cộng đồng quản lý” cho đồng bào Khánh Vĩnh vào năm 2005. Trong khuôn khổ dự án mới, Ron đã trực tiếp tổ chức hướng dẫn bà con biết cách dùng nước sạch, cải thiện sinh kế bằng việc nuôi heo rừng, nhông, nhím, trồng mây, phòng chống suy dinh dưỡng, v.v...
Ron Marchand vẫn gắn bó với Việt Nam dù đã nghỉ hưu. Ảnh: Gia Đình Việt Nam.
Sau gần 30 năm gắn bó với MCNV, nhà khoa học tận tụy Ron Marchand chính thức nghỉ hưu vào tháng 10/2016. Ông tâm sự, bản thân cảm thấy rất yên tâm và tin tưởng khi MCNV đã có một đội ngũ cán bộ kế cận ưu tú, giàu nhiệt huyết. Cũng giống như Ad Spijker, tuy không còn chính thức làm việc cho MCNV, Ron vẫn đi về giữa hai đất nước và luôn sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào MCNV cần đến sự tư vấn của ông.
Những cuộc đời “để dành” cho Việt Nam
50 năm trước, bà Suus van Hekken là một trong gần 70 ngàn người Hà Lan đã nhiệt tình quyên góp tiền bạc, thuốc men cho nhân dân Việt Nam thông qua nhịp cầu MCNV. Nửa thế kỷ đã qua, cuộc sống có nhiều thay đổi, song tấm lòng người phụ nữ ấy dành cho Việt Nam vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu.
Trong ngần ấy năm, đều đặn hàng tháng, bà Suus vẫn dõi theo từng bước hoạt động của MCNV tại Việt Nam qua những bản tin được tổ chức gửi tới định kỳ. Hàng năm, từ Hà Lan xa xôi, bà lại khăn gói tới Việt Nam, đi đến những vùng hẻo lánh, khó khăn, trò chuyện, lắng nghe tâm sự của người dân, để thực sự hiểu họ cần gì, và mình có thể giúp gì cho họ.
Hàng năm, những người Hà Lan yêu Việt Nam như bà Suus thường dành thời gian đến thăm vùng dự án của MCNV. Ảnh cắt từ băng VTV4.
“Chừng nào MCNV còn hoạt động, tôi sẽ luôn luôn ủng hộ tổ chức của các bạn", bà Suus khẳng định.
Theo ông Ab Stokvis, cựu tình nguyện viên của MCNV, tại Hà Lan có rất nhiều cá nhân giống như bà Suus, đã duy trì sự ủng hộ cho Việt Nam trong suốt 30, 40 năm thậm chí 50 năm. Trong số đó, có những người không dư dả về kinh tế, mỗi tháng chỉ có thể dành ra chừng 4, 5 euro, nhưng vẫn đều đặn quyên góp cho MCNV, cho Việt Nam.
Lịch sử 50 năm của MCNV được xây đắp lên chính bởi những những con người nhiệt huyết, những nghĩa cử giản dị chân tình như thế. Vượt qua mọi cách trở địa lý, mọi khác biệt văn hóa, tình cảm cao đẹp ấy chính là giá trị gắn kết thế giới một cách vững bền nhất.
* Những điều ít biết về MCNV: - Năm 1977, tại bệnh viện Hà Lan, hai bé gái đã chào đời an toàn sau một ca sinh khó, được đặt tên là Lan Hà và Hà Lan. Sau khi tốt nghiệp Đại học, hai chị em Hà-Lan đã lựa chọn làm việc tại văn phòng MCNV ở Quảng Trị như một sự tri ân, và đã gắn bó gần 20 năm với tổ chức này. - Từ những năm 1990, MCNV đã mở rộng hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực ngoài y tế, với các dự án như tín dụng vi mô cho phụ nữ nghèo, phát triển sinh kế gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, v.v. - Từ năm 2007, MCNV đã mở rộng phạm vi hoạt động với các dự án tại Lào, và trong tương lai, đang phấn đấu vươn tới hỗ trợ nhiều quốc gia Đông Nam Á. |
Phi Yến