Việt Nam hỗ trợ Lào có biển, có cảng riêng
Cầu cảng mới, tiềm năng mới
Những ngày đầu tháng 10/2024, không khí khẩn trương bao trùm công trường cầu cảng số 3 tại Cảng Vũng Áng. Các hạng mục: bến cập tàu, dầm cầu, đường ray cẩu, hệ thống đường trong cảng, bản mặt cầu đều đã hoàn thiện, sẵn sàng khai thác thương mại vào cuối năm.
Theo Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt, khối lượng xây dựng các hạng mục hiện đạt gần 100%, bảo đảm chất lượng và an toàn. Ông Phạm Quốc Lượng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Ngoài việc tuyển thêm nhân sự, hệ thống máy móc hiện có như cẩu nâng hàng, xe xúc, xe nâng… cũng được bố trí luân phiên từ bến số 1 và 2 qua bến số 3 nếu có hàng vào. Sang năm 2025, chúng tôi sẽ đầu tư trang thiết bị mới”.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh (thứ tư từ trái sang) tham quan Cảng Vũng Áng hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Cầu cảng số 3 có chiều dài 225m, khi kết hợp với cầu cảng số 1 (dài 185m) và cầu cảng 2 (dài 287m) sẽ tạo ra cầu cảng liền mạch dài 697m đón được cùng lúc 3 tàu trọng tải lớn khoảng 50.000 - 55.0000 tấn và 6 - 7 tàu trọng tải từ 3.000 - 4.000 tấn. Hiện nay, hai bến cảng số 1 và 2 đang khai thác hơn 4 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi cầu cảng số 3 đi vào hoạt động, sản lượng hàng hóa qua cảng dự kiến tăng lên 5-7 triệu tấn/năm, trong đó hàng quá cảnh của Lào chiếm 40 - 50%, tăng 20% so với hiện tại.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực ngành giao thông vận tải giữa Việt Nam và Lào, đặc biệt là vận tải biển, đã có từ lâu. Ngày 24/5/2011, Công ty Cổ phần Cảng Vũng Áng Việt - Lào (nay là Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt) được thành lập với sự góp vốn 20% từ Công ty liên hợp Lào phát triển cảng Vũng Áng (Lào).
Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam đã tạo điều kiện để nước bạn sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1, 2, 3, qua đó giúp Lào từ một quốc gia không có biển có đường ra biển. Sau hơn 20 năm chính thức đưa vào khai thác, cầu cảng Vũng Áng 1, 2 do Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt làm chủ đầu tư đã phát huy tối đa công suất, đóng góp lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh nói riêng và của hai nước Việt - Lào nói chung. Trước nhu cầu vận tải hàng hoá qua cảng ngày càng lớn, năm 2015, Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt đã đầu tư thêm bến cảng số 3, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục: bến cập tàu, khu nước trước bến, kè gầm bến, bãi chứa hàng, hệ thống đường trong cảng và các hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ khác với diện tích sử dụng là 49.146m2 mặt đất và 23.750m2 mặt nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết: "Chúng tôi đã sẵn sàng nhân vật lực để tiến hành đón tàu khai thác thương mại vào cuối năm nay”.
Đột phá trong kết nối khu vực
Cùng với việc mở rộng cầu cảng, Việt Nam và Lào đang tích cực thúc đẩy triển khai các dự án kết nối giao thông chiến lược gồm: cao tốc Hà Nội - Vientiane và tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng.
Dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng có chiều dài 554 km trải dài trên hai nước Lào và Việt Nam, quy mô đường sắt khổ 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng. Tuyến đường sắt này sẽ giúp tăng khả năng trung chuyển hàng hóa tại cảng Vũng Áng. Qua đó, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với các nước láng giềng, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, dự án cũng tạo lợi thế rộng mở cho các doanh nghiệp Việt - Lào hợp tác phát triển các lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Trong khi đó, khi dự án cao tốc Hà Nội - Vientiane được xây dựng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thủ đô, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, tốc độ cao cho các phương tiện từ thủ đô Vientiane tới các khu kinh tế ven biển của Việt Nam. Tuyến cao tốc này sẽ là tiền đề hình thành trục phát triển thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối các nước khu vực sông Mekong, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, rút ngắn quãng đường và thời gian vận chuyển so với đường biển.
Tại Hội nghị chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào diễn ra tại thủ đô Vientiane vào ngày 12/11/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: quan điểm chiến lược của Việt Nam là giúp Lào có biển, có cảng riêng, tiếp theo là có đường sắt, đường bộ để mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế độc lập.
“Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các công trình kết nối quan trọng, như Dự án hợp tác đầu tư bến cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng, các dự án kết nối giao thông đường bộ Hà Nội - Vientiane, đường sắt Vientiane - Vũng Áng…; xử lý dứt điểm các dự án đang còn vướng mắc”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Những dự án tiềm năng này khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ thycs đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho cả Việt Nam và Lào, đồng thời tăng cường sự hiện diện của hai nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại sự kiện Đối thoại biển lần thứ 8 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6/2022, ông Mai Sayavongs (Viện Đối ngoại, Bộ Ngoại giao Lào) đánh giá cao sự hỗ trợ của Việt Nam khi cho phép Lào sử dụng cảng biển số 1, 2, 3 tại Cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh - tỉnh có chung biên giới với các tỉnh Bolikhamsai và Khammouane của Lào. Trước đó, Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa với Lào. Theo ông Mai Sayavongs, chính phủ Việt Nam dành cho Lào đặc quyền này là do hai nước có quan hệ đặc biệt lâu đời, phối hợp chính sách thường xuyên. "Những hỗ trợ to lớn như vậy sẽ giúp Lào kết nối biển và hiện thực hóa tầm nhìn trở thành quốc gia được kết nối với biển, cho phép Lào hồi nhập hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu", ông nói. |