Việt Nam đón sóng dịch chuyển của nhà đầu tư ngoại
Tập đoàn ngoại chọn Việt Nam là điểm đến
Việc Samsung chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam mới đây được tạp chí Forbes của Mỹ đánh giá là lựa chọn đúng đắn.
Theo Forbes, Samsung đầu tư hàng tỷ USD trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn có thể là vì Samsung đủ kiên nhẫn để nhìn xa hơn giai đoạn sụt giảm ngắn hạn. Những doanh nghiệp sẵn sàng cho cuộc chơi dài hạn cũng có thể nối tiếp bước chân của Samsung vào Việt Nam.
Việc Samsung chọn Việt Nam làm "đại bản doanh" được truyền thông quốc tế đánh giá là chiến lược đúng đắn (Ảnh: Samsung Việt Nam). |
Hãng tin Reuters ngày 12/5 đưa tin: Tập đoàn Apple sẽ mở cửa hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam khi nhà cung cấp iPhone gia tăng gấp đôi tại các thị trường mới nổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng giữa bối cảnh doanh số bán hàng tại Trung Quốc chậm lại.
Theo Reuters, dù Apple không cho biết khi nào họ có kế hoạch mở các cửa hàng tại Việt Nam song Deirdre O'Brien, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán lẻ của Apple cho biết: "Chúng tôi tự hào được mở rộng hoạt động tại Việt Nam".
Các cửa hàng trực tuyến thường đi trước việc mở các cửa hàng bán lẻ. Apple đã bán sản phẩm tại Việt Nam thông qua các nhà cung cấp được cấp phép và có nhiều nhà cung cấp lắp ráp các thiết bị của họ tại Việt Nam để xuất khẩu.
Sự chuyển dịch sản xuất của các các tập đoàn đa quốc gia sang Việt Nam mang lại nhiều kỳ vọng. Theo đó, với tiềm lực mạnh và thiện chí hỗ trợ, đầu tư nước ngoài sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chuỗi cung ứng, tạo nên một chu trình sản xuất khép kín, thuận tiện điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường của nguyên vật liệu, đáp ứng yêu cầu ngày càng hay thay đổi của các thị trường nhập khẩu.
Động lực tăng trưởng kinh tế
Đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các tổ chức quốc tế đều thể hiện sự lạc quan. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5%/năm vào 2023 và 6,6% vào năm 2024. Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam 2023 - 2024 lần lượt là 6,5% và 6,8% năm; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 5,8% và 6,9%, nằm trong nhóm dẫn đầu châu Á. |
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: Chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023 sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những khó khăn chung hiện nay như suy thoái kinh tế thế giới, căng thẳng địa chính trị toàn cầu...
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), khó khăn trong và ngoài nước đòi hỏi chính phủ Việt Nam cần có những chính sách ứng phó thận trọng. Trong đó bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, đồng thời giám sát chặt chẽ khu vực tài chính.
Bà khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách, hành động phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ, gỡ bỏ rào cản thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ lệ áp dụng công nghệ thấp, khắc phục tình trạng thiếu kết nối với các ngành, lĩnh vực khác...
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần triển khai những chương trình cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước. Chính phủ cùng các cấp, ngành cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình. Tăng cường năng lực và kỹ năng cho người lao động và cán bộ quản lý, đồng thời nâng chất lượng dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như chế biến, chế tạo...