Việt Nam đề xuất giải pháp ứng phó với vấn nạn ma túy
Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và có tham dự của đại diện 70 nước và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế liên quan.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự hội nghị ứng phó ma túy tổng hợp ngày 7/7 (Ảnh: Bộ Ngoại giao). |
Trong phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ với các biện pháp tổng thể và cách tiếp cận toàn diện, xử lý các vấn đề liên quan đến cung và cầu của ma tuý.
Theo ông Sơn, quốc tế cần quan tâm tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển về chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực, nguồn lực, công nghệ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề ma túy một cách bền vững thì cần tăng cường các biện pháp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao giáo dục và tạo việc làm, nhất là cho thanh niên.
Bộ trưởng cũng chia sẻ các nỗ lực của Việt Nam và ASEAN nhằm phấn đấu vì một môi trường không ma túy, khẳng định ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm tạo thêm động lực, huy động thêm nguồn lực cho đấu tranh phòng, chống ma tuý ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định ma túy là vấn đề đe dọa tính mạng, tương lai của hàng triệu người dân Mỹ. Chống ma túy là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden với nhiều biện pháp mạnh mẽ, trong đó có Chiến lược kiểm soát ma túy mới được ban hành. Dù vậy, ma túy luôn là một thách thức nghiêm trọng với an ninh, y tế toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết.
Nhân dịp này, Mỹ đề xuất thành lập liên minh toàn cầu ứng phó với mối đe dọa từ ma túy tổng hợp. Washington sẽ trao đổi với các nước tham gia về các ưu tiên, biện pháp cụ thể trong công tác này. Các đối tác cũng có thể tham gia các nhóm làm việc để tìm những giải pháp mới, tăng cường nỗ lực quốc gia để phòng chống ma túy tổng hợp.
Các ý kiến đại biểu đại diện các nước cũng bày tỏ quan ngại đối với những thách thức ma túy tổng hợp đặt ra với phát triển bền vững như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm giáo dục, việc làm. Theo các đại biểu, thanh niên, thế hệ trẻ là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất từ tệ nạn ma túy tổng hợp trong xã hội, cần có sự quan tâm đặc biệt để hướng đến lối sống lành mạnh.
Các đại biểu khẳng định sẽ phối hợp hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế trong phòng chống. Đồng thời đề cao vai trò và khả năng hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm chuyên gia của các cơ chế kiểm soát ma túy quốc tế hiện có.