"Hộ chiếu vaccine" - con đường nghiêm túc để thúc đẩy du lịch và giao lưu quốc tế
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, đến cuối tháng 11, Việt Nam đã đón gần 1.000 khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine". Đây là bước khởi động quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch, là tiền đề để mở rộng hoạt động đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Việt Nam đã đón gần 1.000 khách du lịch quốc tế theo chương trình "hộ chiếu vaccine"
Ấn tượng trước sự chào đón nồng nhiệt của Việt Nam khi tham gia đoàn khách du lịch Hàn Quốc đầu tiên đến Phú Quốc theo chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine", ông Kim Chang Ho chia sẻ rất yên tâm khi đến Việt Nam trong thời điểm bản thân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và tìm hiểu thông tin về các biện pháp phòng chống dịch cũng như đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam. Ông tin tưởng sẽ có chuyến du lịch thoải mái, vui vẻ và tận hưởng những dịch vụ hiện đại tại Phú Quốc.
Ông Kim Chang Ho là một trong những vị khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam theo chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine" sau gần 2 năm ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc đón các đoàn khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine” là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt nhằm từng bước phục hồi hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế.
Phố cổ Hội An đón những vị khách quốc tế đầu tiên theo chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine". (Ảnh: Tổng cục Du lịch Việt Nam) |
Đánh giá về việc thí điểm đón khách quốc tế trong hơn nửa tháng qua, tại Diễn đàn “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” vào ngày 30/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đến cuối tháng 11, Việt Nam đã đón gần 1.000 khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm. Đây là bước khởi động quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch, là tiền đề để mở rộng hoạt động đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Trước đó, tại Quảng Nam, từ ngày 17/11 đã bắt đầu đón những du khách quốc tế đầu tiên đến từ các thị trường như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc… Ngay sau đó, ngày 20/11, tại Phú Quốc (Kiên Giang) cũng diễn ra lễ đón hơn 200 du khách Hàn Quốc đến khám phá và nghỉ dưỡng tại “đảo Ngọc”. Chiều ngày 25/11, tại Khánh Hòa, 43 du khách Hàn Quốc sử dụng hộ chiếu vaccine đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Cam Ranh, bắt đầu hành trình trải nghiệm, tham quan, nghỉ dưỡng…
Việc đón khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam được đảm bảo tuân thủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách du lịch. Theo các tour du lịch trọn gói, du khách quốc tế hào hứng khi được khám phá những điểm đến nổi tiếng của dải đất hình chữ S xinh đẹp như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, thích thú trải nghiệm các hoạt động thể thao, giải trí hấp dẫn, sôi động như golf, công viên VinWonder… và dành thời gian thư giãn, nghỉ dưỡng bên bãi biển trong xanh sau những ngày tháng bị kìm nén bởi dịch bệnh.
Du khách thích thú trải nghiệm vui chơi tại công viên VinWonders (Phú Quốc, Kiên Giang) |
Lựa chọn các thị trường trọng điểm, thực hiện trao đổi khách quốc tế
Theo lộ trình phục hồi du lịch hậu Covid-19 được Chính phủ phê duyệt, lộ trình đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Giai đoạn 2 (từ tháng 01/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày (trước mắt kết nối Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh) và có thể bổ sung thêm một số địa phương khác (nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế).
Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách trong hai giai đoạn đầu.
Áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 đem lại nhiều hy vọng giúp phục hồi nền kinh tế và nỗ lực đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cùng với việc áp dụng hộ chiếu vaccine, việc thực thi các giải pháp đồng bộ đi kèm là rất quan trọng để sáng kiến này thực sự hiệu quả và an toàn.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa việc phát triển du lịch tại thị trường Thái Lan, tại Hội thảo quốc tế tăng cường hữu nghị và kết nối thương mại, đầu tư, du lịch Đà Nẵng - Thái Lan nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan do Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt Nam-Thái Lan TP Đà Nẵng tổ chức ngày 14/12 vừa qua, các đại biểu đã chỉ ra nhiều giải pháp căn cơ, có thể mang lại hiệu quả cao.
Cụ thể: Đối với du khách Thái Lan - top 10 thị trường quốc tế của du lịch Đà Nẵng có thể thu hút thông qua Hội chợ Quốc tế thương mại và du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây tại thành phố Đà Nẵng thu hút nhiều doanh nghiệp Thái Lan tham gia hợp tác, trao đổi về du lịch. Trên cơ sở những thành tựu trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan thời gian qua, với sự tương đồng về văn hoá, điều kiện tự nhiên, việc hợp tác du lịch, trao đổi khách quốc tế giữa hai quốc gia sẽ gặp nhiều thuận lợi, từ đó góp phần thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch sau 2 năm "đóng băng" vì Covid-19.
Đối với đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thân nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 về nước để tham quan, du lịch cũng cần được tạo điều kiện do đồng bào ta ở nước ngoài có số lượng tương đối lớn, nhu cầu về nước tăng cao.
Nhiều Hội Hữu nghị với các nước như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... là những địa bàn có lượng người đến Việt Nam du lịch cao đề xuất: bên cạnh việc thúc đẩy tạo môi trường an toàn trong đại dịch, cần có chính sách thị thực đồng bộ, chính sách phòng chống dịch ở mỗi địa phương đồng nhất để các doanh nghiệp thu hút khách đến Việt Nam thuận lợi nhất.