Việt Nam bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa
Cuốn sách “Việt Nam - Gia phả kháng chiến” của nhà báo Gastón Fiorda được ra mắt tại Hội chợ sách Quốc tế tại Buenos Aires, Argentina, năm 2022. |
Nhà văn, nhà báo Gastón Fiorda, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina (RNA), vừa trở về sau 3 tháng sang Việt Nam nghiên cứu thực hiện luận văn tiến sĩ, bày tỏ khâm phục tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đồng thời ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của nhân dân Việt Nam: dũng cảm trong đấu tranh giải phóng dân tộc; cần cù, chịu khó trong xây dựng và phát triển đất nước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN taị Buenos Aires, nhà báo Fiorda cho biết với những nghiên cứu và trải nghiệm thực tế về văn hóa Việt Nam, ông có những ấn tượng vô cùng tốt đẹp về con người, văn hóa và đất nước Việt Nam.
Nhà báo Fiorda bày tỏ trong thời gian làm việc ở Việt Nam, ông thực sự cảm nhận được các tập quán văn hóa, nghi lễ truyền thống gia đình và đặc biệt là lòng hiếu khách của người Việt Nam. Với quá trình rất dài nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, chính trị, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, ông cho biết muốn cảm nhận bằng thực tế về lịch sử của Việt Nam và đã dành thời gian tới thăm nhiều di tích lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam như Điện Biên Phủ và nhiều bảo tàng lịch sử, quân đội ở Hà Nội.
Ông đề cao tầm quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước chống giặc hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ mai sau, đồng thời nhấn mạnh đây là một trong những giá trị quan trọng của văn hóa quốc gia, lòng yêu nước cần được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong xã hội Việt Nam, nhà báo Fiorda ấn tượng với truyền thống tôn trọng người lớn tuổi và giá trị gia đình. Người Việt Nam luôn nhớ tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất. Điều này được thể hiện rất rõ trong các buổi sinh hoạt gia đình, trong các bữa giỗ với sự tham dự đông đủ của họ hàng, con cháu tập trung đông đủ. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi mà mỗi con người được tôn trọng, thương yêu và chia sẻ. Ông cho rằng truyền thống văn hóa tốt đẹp này rất cần gìn giữ.
Nhà văn, nhà báo Gastón Fiorda trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. |
Theo nhà báo Fiorda, ở Việt Nam, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người dân rất lớn. Người dân quan tâm tới chính trị, với những gì đang xảy ra trên đất nước và cả trên thế giới. Trong các cuộc đối thoại và tiếp xúc, ông cảm nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của người dân với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.
Ông cũng đánh giá cao vai trò của văn hóa Việt Nam trong tiến trình dựng nước, giữ nước và hội nhập quốc tế. Chính những nét đặc trưng nói trên đã giúp Việt Nam xây dựng một đất nước độc lập, tự do và không ngừng hội nhập, nâng cao vị thế và vai trò của đất nước trên trường quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đề cập tới đường lối phát triển văn hóa Việt Nam mà Đại hội XIII Đảng Cộng sản đã đề ra cùng những quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển văn hóa Việt Nam, nhà báo Fiorda nhấn mạnh trong một thế giới toàn cầu hóa, những tiến bộ của công nghệ khiến việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa gặp nhiều thách thức. Ông khẳng định Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, thể hiện sự nhìn nhận rõ ràng và chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam về tầm quan trọng của những nét đặc trưng văn hóa trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Về quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước”, nhà báo Fiorda nhấn mạnh toàn cầu hóa dẫn đến nguy cơ đồng nhất văn hóa, bởi vậy cần giáo dục cho giới trẻ về lịch sử và văn hóa dân tộc, bởi mỗi người cần nhận thức rõ mình đến từ đâu, từ nền văn hóa nào và từ đất nước nào.
Ông cho rằng, với những thành quả kinh tế đáng khâm phục mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, việc phát huy và gìn giữ bản sắc dân tộc và văn hóa rất cần thiết và quan điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo về phát triển văn hóa rất phù hợp với giai đoạn hiện nay của Việt Nam.
Nhà báo Fiorda là tác giả cuốn sách “Việt Nam – Gia phả kháng chiến” được ra mắt tại Hội chợ Sách Quốc tế tại Buenos Aires, Argentina, năm 2022. Cuốn sách đi sâu phân tích những thành tựu của Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực, sự lựa chọn đúng đắn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và Việt Nam đang là hình mẫu về sự phát triển trên thế giới.
Nhà báo Fiorda, người phụ trách chương trình mang tên “Argentina xin chào Việt Nam” tiếng Tây Ban Nha, chương trình hợp tác giữa Đài Phát thanh Quốc gia Argentina và Ban Đối ngoại VOV5 Đài tiếng nói Việt Nam, từng đoạt giải nhất Giải thưởng Toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI. Ông cũng là người Mỹ Latinh đầu tiên nhận được học bổng tiến sĩ của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với đề tài nghiên cứu về công cuộc tái thiết đất nước của dân tộc Việt Nam sau chiến tranh.
Theo Diệu Hương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-bao-ton-ban-sac-van-hoa-dan-toc-trong-the-gioi-toan-cau-hoa-20240109092903146.htm
Việt Nam là đối tác ưu tiên, quan trọng của Canada Chiều 8/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Ahmed Hussen, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada đang thăm, làm việc tại Việt Nam. |
Google: Lượng tìm kiếm quốc tế về điểm đến Việt Nam tăng nhanh thứ 6 thế giới Kết quả khảo sát trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về điểm đến Việt Nam tăng nhanh thứ 6 thế giới, “vượt mặt” cả các điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. |