Vị trí quan trọng về giao thông hàng hải và quốc phòng của Hoàng Sa, Trường Sa
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm án ngữ giữa Biển Đông, là một vùng biển có ý nghĩa địa chính trị vô cùng quan trọng, là một trong những nơi có tuyến đường biển nhộn nhịp và quan trọng nhất thế giới, với ít nhất tổng khối lượng hàng hóa giao thương đường biển quốc tế.
Là điểm nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, vùng biển này là trung tâm của khu vực Đông Nam Á và các hoạt động hàng hải kết nối giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, Bắc Ám ra Thái Bình Dương, các lục địa Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Phần lớn hoạt động thương mại toàn cầu (khoảng 90% khối lượng) qua vận chuyển bằng đường biển. Trong đó, eo biển Malacca giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì nó cung cấp các tuyến đường ngắn nhất giữa Ấn Độ Dương và biển Đông Nam Á.
Đảo Trường Sa là đảo lớn nhất và là một trong những đảo đẹp nhất của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. (Ảnh: Hung Le) |
Cuốn "Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2015) do PGS.TS Trương Minh Dục biên soạn có viết về giá trị giao thông hàng hải và quốc phòng như sau.
"Biển Đông là tuyến đường trọng yếu cho nguồn cung cấp năng lượng từ biển đến từ Trung Đông, châu Phi, châu Đại Dương và Đông Nam Á tới các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu ở Đông Bắc Á. Dầu khí là một mặt hàng thiết yếu và mang tính chiến lược, khiến cho Biển Đông trở nên quan trọng đối với cả an ninh hàng hải và an ninh năng lượng.
Theo tính toán của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 70-80% năng lượng đầu khí nhập khẩu cho các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, gần một phần ba thương mại toàn cầu về dầu thô và hơn một nửa thương mại thế giới về khí hóa lỏng tự nhiên trung chuyển qua Biển Đông ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ thì Biển Đông nằm trên con đường huyết mạch quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông về Đông Á.
Với diện tích rộng, độ sâu lý tưởng, vị trí chiến lược hiểm yếu và nguồn tài nguyên phong phú, Biển Đông có giá trị hết sức to lớn về mặt quân sự. Do nằm án ngữ giữa Biển Đông, nên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có vị trí quan trọng về giao thông hàng hải và quốc phòng. Từ hai quần đảo này có thể kiểm soát việc đi lại của nhiều loại loại tàu của các nước. Bởi tàu bè đi lại giữa nhiều nước châu Á hoặc đi từ châu Âu sang châu Á đều đi ngang qua hai quần đảo này.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng là nơi dừng chân, trú bão của nhiều tàu bè trên thế giới thông thương theo đường hàng hải mỗi khi gặp bão tố. từ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể kiểm soát vùng biển, vùng trời; cung cấp thông tin về tình hình gió, bão, thủy văn cho Việt Nam và các nước thuộc vùng Đông Nam châu Á thông qua đài khí tượng vô tuyến điện báo; kiểm tra và hỗ trợ các hoạt động của tàu thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Nhận thức được tầm quan trọng về vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên phong phú cho phát triển kinh tế ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ xa xưa các thế hệ người Việt Nam đến đây khai phá, sinh sống và xem hai quần đảo này là một nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Bằng chứng là việc dựng bia xác lập chủ quyền, đưa các loại thảo mộc từ đất liền ra trồng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đo đạc vẽ bản đồ xác định vị trí địa lý, thành lập những đội quân ra khai thác trên các quần đảo này của các triều đại phong kiến Việt Nam".