Vì sao Mỹ "cực lực" ngăn đồng minh mua S-400 của Nga?
Theo tạp chí National Interest, một trong những lý do khiến Washington không ngừng có những nỗ lực thuyết phục các đồng minh và đối tác từ bỏ mua hệ thống phòng không S-400 là do Mỹ lo sợ các máy bay tàng hình của nước này sẽ “lộ diện” trước vũ khí tối tân của Nga.
Cụ thể, National Interest cho rằng, các chiến đấu cơ như F-22 và F-35 cùng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ dựa vào tốc độ di chuyển cùng khả năng nhanh chóng tiến vào cũng như hoạt động trong vùng radar phòng không của đối phương. Tuy nhiên, ưu thế của dàn máy bay tàng hình do Mỹ sản xuất bị lung lay trước mức độ vô cùng hiện đại của hệ thống phòng không S-400. Nguyên nhân là do S-400 của Nga hiện có thể liên kết với dữ liệu radar theo thời gian thực.
Lo sợ dàn máy bay tàng hình bị “lộ diện” trước hệ thống phòng không S-400 khiến Mỹ quyết ngăn đồng minh mua vũ khí tối tân của Nga. Ảnh minh họa |
Cũng theo National Interest, tính năng trên sẽ cho phép S-400 xóa sạch ưu thế của dàn máy bay hiện đại Mỹ. Từ đó, S-400 có thể theo dõi một cách hiệu quả và bắn hạ các chiến đấu cơ tàng hình do Mỹ sản xuất.
Được biết, hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 "Triumf" của Nga đang được đánh giá là hiện đại nhất thế giới với khả năng bắn hạ máy bay, tên lửa, máy bay không người lái (UAV) của đối phương trong phạm vi 400 km.
Ngoài Nga, hiện chỉ có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S-400.
National Interest nhận định, chính tính năng ưu việt của S-400 mà Moscow đã quảng cáo suốt thời gian qua là lý do khiến Lầu Năm Góc gần đây có những nỗ lực thuyết phục Ân Độ từ bỏ kế hoạch mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến Washington hạ lệnh trừng phạt với quốc gia đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara sở hữu hệ thống S-400.
Vào thời điểm ban bố áp đặt lệnh trừng phạt, cũng như loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35, Mỹ đưa ra lý do cho hành động của mình là vì vũ khí của Nga không tích hợp hoạt động với hệ thống phòng thủ mà NATO đang sử dụng.mSau đó, Washington còn nghi ngờ Moscow có thể thu thập những thông tin quan trọng về các tiêm kích F-35 thông qua sự xuất hiện của S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng chính Mỹ lại từ chối hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn nguy cơ rò rỉ thông tin về F-35.
Gần đây, Nhà Trắng tiếp tục lên tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hành động “như thể không phải là đồng minh trong NATO” khi tuyên bố quyết định mua S-400 của Nga là quyền chủ quyền của Ankara.
Động thái của Mỹ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn nào khác là đi tìm nguồn cung ứng khác để tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia.