Vì sao IMF cảnh báo về rủi ro dâng cao trong hệ thống tài chính toàn cầu?
Theo CNBC, Tổng giám đốc điều hành của IMF tái khẳng định quan điểm về việc năm 2023 sẽ là một năm có nhiều thách thức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến hạ nhiệt xuống chỉ còn dưới 3% do những tác động từ đại dịch COVID-19, căng thẳng Nga - Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ.
Ngay cả với triển vọng tích cực trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng sẽ dưới mức trung bình 3,8%, triển vọng nói chung vẫn ở mức yếu, bà Georgieva nói tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF).
IMF từng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở ngưỡng 2,9%. IMF dự kiến sẽ công bố dự báo mới vào tháng sau.
Bà Georgieva nói các nhà hoạch định chính sách tại nhóm các nền kinh tế phát triển đã phản ứng đầy quyết liệt với các rủi ro gây mất ổn định trong trường hợp ngân hàng sụp đổ, nhưng ngay cả vậy vẫn cần rất nhiều những sự thận trọng.
“Chính vì vậy, chúng ta vẫn tiếp tục dõi theo các diễn biến này chặt chẽ, đồng thời đánh giá đến những tác động với triển vọng kinh tế toàn cầu và tình hình ổn định tài chính”, bà Georgieva khẳng định. Bà Georgieva cũng nói thêm IMF đang quan tâm đặc biệt đến những nước thuộc diện dễ chịu tổn thương, đặc biệt nhóm nước thu nhập thấp với triển vọng nợ nần cao.
Bà Georgieva đồng thời cảnh báo những yếu tố phân cực về địa lý kinh tế sẽ có thể chia thế giới thành nhiều khối cạnh tranh nhau khốc liệt về kinh tế, kết quả nó sẽ tạo ra sự chia rẽ nguy hiểm khiến cho tất cả các nước cùng nghèo đi và kém an toàn hơn.
Bà Georgieva phân tích quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc, với tăng trưởng GDP dự kiến 5,2% trong năm 2023, mang đến sự hy vọng cho kinh tế toàn cầu. Trung Quốc dự kiến đóng góp đến 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
IMF ước tính cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP tại Trung Quốc sẽ có thể mang đến 0,3 điểm phần trăm tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế châu Á khác.
Bà Georgieva hối thúc các nhà hoạch định chính sách kinh tế tại Trung Quốc tăng năng suất lao động và tái cân bằng nền kinh tế khỏi trọng tâm đầu tư và hướng nhiều hơn đến trụ cột tiêu dùng, thông qua các biện pháp cải tổ định hướng thị trường nhằm cân bằng “sân chơi” giữa doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Các biện pháp cải tổ nếu được thực hiện như trên sẽ có thể nâng tổng quy mô GDP thêm khoảng 2,5% vào năm 2027 và thêm 18% trước năm 2037.
Việc tái cân bằng kinh tế Trung Quốc sẽ cần đến việc Bắc Kinh phải hiện thực hóa được các mục tiêu về biến đổi khí hậu bởi phát triển theo hướng trọng tâm tiêu dùng sẽ làm hạ nhiệt nhu cầu năng lượng, giảm khí thải và làm gia tăng áp lực an ninh năng lượng.