VFA: Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới
Việt Nam đang dẫn đầu giá xuất khẩu gạo 5% và 25% tấm (Ảnh: VGP). |
Được biết, hiện giá gạo ở phân khúc gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã qua mặt giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan với mức từ 4 - 40 USD/tấn.
Ngày 7/10, giá lúa ở ĐBSCL đã tăng thêm 100 đồng/kg. Theo đó, giá lúa được thương lái mua tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng với mức từ 5.500-7.000 đồng/kg (tùy theo loại). Đây được xem là tác động từ việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu gạo 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 406 USD/tấn, tăng 3-5 USD/tấn so với tuần rồi.
Đáng chú ý, hiện giá gạo ở phân khúc gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã qua mặt giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan với mức từ 4-40 USD/tấn.
Ngoài các thị trường truyền thống, doanh nghiệp ĐBSCL đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào châu Âu
Theo Tổng Cục thống kê, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 5,4 triệu tấn, tăng 19,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, nhiều khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 6,3-6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000-200.000 tấn so với năm 2021.
Các doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL cho biết, hiện nay, trên 80% gạo xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào phân khúc gạo cao cấp, thơm và đặc sản nên thị trường tiêu thụ rất đa dạng.
Với Việt Nam, sau khi tăng hơn 200.000 tấn lên 6,5 triệu tấn trong năm 2022, xuất khẩu dự kiến giảm xuống còn 6,4 triệu tấn trong năm 2023.
Trái lại, USDA dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ tăng gần 1 triệu tấn lên mức 7 triệu tấn vào năm 2022 và tiếp tục tăng lên 7,5 triệu tấn trong năm tới.
Về nhập khẩu gạo toàn cầu, Trung Quốc chiếm phần lớn trong mức tăng dự kiến toàn cầu trong năm 2023 với dự báo đạt kỷ lục 6 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022. Theo đó, Trung Quốc được dự báo sẽ nhập khẩu số lượng lớn gạo tấm từ Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Thái Lan.
Tiếp theo, Philippines dự báo sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gạo số hai thế giới trong năm 2023 với 3 triệu tấn, chủ yếu là gạo chưa xay xát, không thay đổi so với kỷ lục của năm 2022.
Nigeria và EU được dự báo sẽ đều nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo vào năm 2023, trong đó nhập khẩu của EU dự kiến cao kỷ lục và Nigeria chủ yếu nhập khẩu gạo đồ.
Các quốc gia khác nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo vào năm 2023 bao gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Iran, Iraq, Malaysia, Nepal, Ả Rập Saudi, Senegal, Nam Phi, UAE và Mỹ.