Văn Phú Invest toan tính gì ở dự án An Vân Dương khi doanh thu teo tóp, lợi nhuận èo uột?
Có một "đặc sản" mang tên TNR Holdings tại Hà Nội Dự án Thanh Long Bay (Nam Group) bị "tuýt còi" do huy động vốn trái phép Bất động sản công nghiệp Việt Nam - Vùng đất hứa đầy hấp dẫn |
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest được hình thành và phát triển từ năm 2003 với tiền thân là chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh. Văn Phú - Invest đã triển khai nhiều dự án như khu đô thị mới Văn Phú, The Văn Phú Victoria, Home City, Hùng Sơn Villa, Giảng Võ Complex... Cái tên Văn Phú gắn liền với đại gia 7x sở hữu khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng đó chính là ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT.
Theo tìm hiểu, ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest sinh năm 1971 là tiến sỹ quản trị kinh doanh. Ông Toàn là kiến trúc sư, từng công tác tại Công ty xây dựng số 4 - Tổng công ty xây dựng Hà Nội trong những năm 1996 - 1999. Sau khi rời Tổng công ty xây dựng Hà Nội, ông Toàn đảm nhiệm các vị trí Phó giám đốc Công ty tư vấn xây dựng giao thông - công nghệ môi trường trực thuộc Viện nghiên cứu hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương (1999-2002), rồi Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và tư vấn kiến trúc Việt Nam từ tháng 6/2002 đến tháng 1/2003.
Năm 2003 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình trở thành người giàu nhất nhì sàn chứng khoán của ông Tô Như Toàn sau này, đó là việc ông Toàn đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh do nhà nước quản lý. Công ty này chính là tiền thân của Văn Phú Invest. Từ tháng 4/2008 đến tháng 9/2008, ông Tô Như Toàn là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nhà Quảng Ninh. Sau 6 tháng giữ vị trí này, tháng 9/2008, ông Tô Như Toàn trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest cho đến nay.
Ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest phát biểu tại ĐHCĐ năm 2018. |
Doanh thu Văn Phú Invest teo tóp, lợi nhuận èo uột
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (Văn Phú Invest, mã chứng khoán: VPI), lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 2 tỷ đồng, giảm 61,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mức lợi nhuận này thể hiện trên báo cáo tài chính riêng của VPI giảm 82,13% so với cùng kỳ năm 2018.
Chi phí tài chính của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh từ 1,5 tỷ đồng ở đầu kỳ lên hơn 8 tỷ đồng, toàn bộ từ chi phí lãi vay. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, gấp 3 lần đầu kỳ với 15,6 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, Văn Phú - Invest cho biết, trong quý 1/2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là do công ty mới chỉ ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao một số căn hộ thuộc công trình nhà ở cao tầng (CT9) thuộc dự án khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội; doanh thu từ các dự án khác của công ty mẹ và các công ty con chưa ghi nhận do chưa bàn giao dẫn tới lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến cuối tháng 3/2019, Văn Phú - Invest còn 2.128 tỷ đồng hàng tồn kho, hầu hết là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong đó, bao gồm các dự án Thảo Điền -TP HCM, Khu đô thị An Hưng, Hồ Tây và Ngụy Như Kon Tum. Trong đó, riêng dự án Thảo Điền TP HCM đã được UBND TP HCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án vào ngày 4/4/2019. Bên cạnh đó, tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính đến cuối kỳ kế toán quý 1/2019 cũng còn gần 760 tỷ đồng. Trong đó, dự án 83 Hào Nam chiếm chi phí lớn nhất với gần 398 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2019, Văn Phú - Invest ghi nhận 4.386 tỷ đồng nợ phải trả, tăng hơn 100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.500 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.885 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ 2.460 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã vượt quá vốn chủ sở hữu hơn 1.900 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, các khoản vay và nợ thuê tài chính, khoản vay ngắn hạn của Văn Phú - Invest tăng từ 785 tỷ đồng ở đầu kỳ lên 1.149 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 46%. Trong quý vừa qua, công ty đã phát sinh thêm 2 khoản vay tại VPBank là 180 tỷ đồng và BIDV Đại La là 3,4 tỷ đồng. Đồng thời, Văn Phú - Invest đã cầm cố 2,1 triệu cổ phiếu phổ thông của VPI thuộc sở hữu bên thứ ba làm tài sản đảm bảo cho khoản vay có hạn mức 30 tỷ đồng tại BIDV Đại La để bổ sung vốn lưu động. Ngoài ra, vay dài hạn của công ty cũng tăng thêm 300 tỷ đồng lên hơn 1.738 tỷ đồng.
Năm 2019, Văn Phú Invest đặt mục tiêu doanh thu 3.305 tỷ đồng và 472 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, hết quý I, doanh nghiệp chưa thực hiện được 0,5% kế hoạch lãi ròng cả năm. Và trong 6 tháng đầu năm, công ty thực hiện được 14,3% chỉ tiêu doanh thu và 4% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Tổng tài sản đến cuối tháng 6 ở 7.891 tỷ đồng, với 69% là tài sản ngắn hạn. Hàng tồn kho 2.994 tỷ đồng, chiếm 55% cơ cấu tài sản, chủ yếu do chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án KĐT An Hưng, 138 Giảng Võ…
Toan tính gì ở dự án 7.800 tỷ đồng tại Huế, liên kết với "lính mới" An Vân Dương?
Văn Phú Invest vừa có thông báo thông qua chủ trương liên danh với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị An Vân Dương. Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị An Vân Dương có trụ sở tại Lô E1, Khu nhà ở An Đông, Phường An Đông, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, công ty này vừa nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn chưa ráo mực vào ngày 17/6/2019. Tại Thừa Thiên Huế, An Dương Vân còn là tên của một Khu đô thị mới theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 9/5/2005 của tỉnh này.
Theo đó, Khu đô thị mới An Vân Dương được lập trên địa giới hành chính của huyện Phú Vang, huyện Hương Thuỷ và thành phố Huế (bao gồm các xã Phú An, Phú Dương, Phú Thượng, Phú Mỹ, Thuỷ Vân, Thuỷ An và một phần phường Vĩ Dạ), được giới hạn: phía Bắc giáp sông Phổ Lợi; phía Nam giáp sông An Cựu; phía Đông giáp thôn Triều Thuỷ xã Phú An, xã Phú Mỹ và xã Thuỷ Thanh; phía Tây giáp Sông Phổ Lợi, khu quy hoạch phường Vĩ Dạ, khu quy hoạch phường Xuân Phú.
Khu đô thị mới An Vân Dương (Thừa Thiên Huế) có tổng chi phí thực hiện lên đến gần 7.800 tỷ đồng. |
Theo thông tin từ 2015 của tỉnh Thừa Thiên Huế, Khu đô thị mới An Vân Dương sẽ là trung tâm dịch vụ thương mại; trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí, phục vụ nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng của người dân thành phố cũng như du khách đến thành phố; là khu đô thị mới hiện đại xen lẫn các hình thức ở, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Tổng diện tích xây dựng đô thị khoảng 1.700 ha, được phân bổ cho các khu chức năng trong đó có khu ở với các đơn vị ở là 270 ha. Qui mô dân số của Khu đô thị này đến 2020 dự kiến là 60.000 người.
Theo Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế, sắp tới đơn vị này sẽ tiến hành sơ tuyển quốc tế nhà đầu tư 3 dự án thuộc Khu đô thị mới An Vân Dương có tổng chi phí thực hiện lên đến gần 7.800 tỷ đồng. Và với việc liên danh với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị An Vân Dương, Văn Phú Invest dường như hé lộ bước đi của mình tại mảnh đất cô đô Huế khi ngay ở thời điểm tháng 2/2019 Văn Phú Invest đã trở thành đối tác chiến lược của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên với tình hình kinh doanh không mấy khả quan những tháng đầu năm 2009 khi mà hết quý I, doanh nghiệp này mới chỉ đạt 0,5% kế hoạch lãi ròng cả năm thì cái tên Văn Phú Invest liệu có "sáng cửa" trong quá trình sơ tuyển tới đây?
Văn Phú Invest - Nhà phát triển bất động sản chuyên tâm hay chủ đầu tư tai tiếng?
Hai dự án gắn liền với Văn Phú Invest đó là KĐT Văn Phú có quy mô 94ha được khởi công vào thời điểm 2006 khi thị trường bất động sản lên cơn "sốt", sau đó 3 năm cái tên Home City tại Trung Kính, Hà Nội được tiến hành xây dựng tuy nhiên khi các dự án này đang ở giai đoạn sắp hoàn thành, bàn giao nhà cho khách hàng là khiếu kiện, đơn thư liên tiếp xảy ra với chủ đầu tư VPI.
Cư dân Home City căng băng rôn phản đối chủ đầu tư xây Trường học, bịt lối đi 177 Trung Kính. |
Vào năm 2013, hàng trăm người mua nhà dự án Văn Phú Victoria (khu đô thị Văn Phú- quận Hà Đông) cho rằng bị chủ đầu tư ép đóng tiền lên tới 95% giá trị căn hộ trong khi chưa dự án vẫn chưa hoàn thiện phần thô. Nguyên nhân do một số đơn vị thứ cấp đã thu tiền bán nhà nhưng lại không nộp tiền thu được về cho chủ đầu tư khiến nhiều khách hàng có nguy cơ không nhận được nhà. Bên cạnh đó, đã hơn 10 năm xây dựng xong, từ năm 2011 đến nay dự án khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông) của Văn Phú Invest cũng dính nhiều tai tiếng, khiếu nại của người dân về chất lượng xuống cấp, nhếch nhác của khu đô thị này. Nhiều căn nhà bị bong tróc, sụt lún, nứt nẻ từ trong ra ngoài… Nhiều công trình khác của Văn Phú Invest đầu tư như trường tiểu học Phú La, trụ sở UBND phường Phú La (xây dựng theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng) đều có tai tiếng với hàng loạt khiếu nại liên quan đến chất lượng.
Hay mới đây nhất, trong quá trình bàn giao nhà tại dự án khu chung cư cao tầng Home City tại Trung Kính (Cầu Giấy) của Văn Phú Invest cũng đã xảy ra nhiều lùm xùm giữa cư dân và chủ đầu tư. Hàng trăm cư dân Home City đã xuống đường căng băng rôn đòi quyền lợi, khiến nại lên các cơ quan, bộ, ngành. Nguồn cơn được cho là Chủ đầu tư không rõ ràng thông tin về quy hoạch, bán nhà liên quan đến lối đi của khu chung cư. Theo đó, lúc xây dựng và bán hàng dự án được quảng cáo là có địa chỉ tại 177 phố Trung Kính, có lối đi ngõ 177 Trung Kính. Nhưng đến lúc dự án hoàn thành thì lối đi này bị đóng lại, cư dân phải đi bằng đường tránh ở phố Nguyễn Chánh do lối đi 177 Trung Kính thuộc vào dự án khác.
Văn Phú Invest - Nhà phát triển bất động sản chuyên tâm hay chủ đầu tư tai tiếng? |
Như vậy, chỉ với hai dự án "đinh" gắn liền với cái tên Văn Phú Invest đã khiến chủ đầu tư này gặp không ít rắc rối. Sự "chuyên tâm" trong công cuộc phát triển bất động sản của doanh nghiệp này chưa thấy mà chỉ thấy còn rất nhiều hạt "sạn" trong các dự án gắn liền với cái tên VPI.
Từ công ty nhà nước đến gia đình “Tô Như” nắm giữ hơn 60% vốn
Năm 2008, Văn Phú Invest chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần 100% vốn tư nhân, có vốn điều 45,8 tỷ đồng. Sau 15 năm hình thành và phát triển, trong đó có 10 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, Văn Phú - Invest hiện có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng.
Ông Tô Như Toàn sở hữu 25% cổ phần VPI. Công ty THG Holdings hiện là cổ đông lớn sở hữu 23,44% vốn điều lệ của VPI trong khi đó ông Toàn nắm hơn 40% tại THG Holdings. Với việc sở hữu 40% số cổ phần tại THG Holdings (tức ông Toàn gián tiếp sở hữu 37,5 triệu cổ phiếu VPI mà công ty này nắm giữ), ông Toàn hiện là cổ đông lớn nhất tại VPI. Tại ngày 29/1/2019, Theo số liệu cập nhật từ Toprich, tổng giá trị tài sản ước tính của ông Tô Như Toàn đạt 1.648 tỷ đồng và vị này là người giàu thứ 25 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, từ công ty nhà nước sau khi cổ phần hóa đã cơ bản thuộc về gia đình ông Toàn với khoảng 61% cổ phần. Bởi những người liên quan tới ông Toàn bao gồm ông Tô Như Thắng (em trai) đang sở hữu 11.300.000 cổ phiếu VPI, bà Đào Thị Hồng Hạnh (vợ) đang sở hữu 4.000.000 cổ phiếu VPI, con gái Lê Châu Giang đang sở hữu 4.000.000 cổ phiếu VPI.