Văn phòng Chính phủ: Nâng cao chất lượng công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
VPCP đã linh hoạt, sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ, không để sót, không để chậm việc. Ảnh: VGP |
Sáng 11/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Văn phòng Chính phủ (VPCP).
Dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bí thư đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương… Về phía VPCP có sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; các Phó Chủ nhiệm VPCP; trợ lý, thư ký lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị…
Phục vụ tốt nhất công tác chỉ đạo, điều hành trong mọi tình huống
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Thường trực VPCP Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh, năm 2021, ngay sau khi các chức danh Chính phủ nhiệm kỳ XIV được kiện toàn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy chế làm việc của Chính phủ, cụ thể hóa lề lối làm việc, cách thức giải quyết, xử lý công việc của thành viên Chính phủ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ.
Trong bối cảnh năm 2021 đặc biệt hơn các năm trước, trong công tác tham mưu, phục vụ các nhiệm vụ đặc thù, VPCP ưu tiên cao nhất cho tham mưu, phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. VPCP đã trình kiện toàn BCĐ quốc gia phòng, chống dịch, các tiểu ban thuộc BCĐ; trình thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ; chuẩn bị, phục vụ 32 cuộc họp BCĐ quốc gia, 63 cuộc họp do Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì về phòng, chống dịch.
Tại VPCP, công việc liên quan đến phòng, chống dịch được tập trung cao độ nhất, ưu tiên nhanh nhất, không kể giờ giấc; đã phân công từng lãnh đạo VPCP tham mưu, giúp việc từng đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Trưởng BCĐ và trưởng các tiểu ban; thành lập Tổ công tác của VPCP để nắm tình hình, báo cáo trực tiếp Trưởng BCĐ, đồng thời, bảo đảm phương thức làm việc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ tốt nhất công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.
Để bảo đảm sự chủ động trong xây dựng và quản lý thực hiện chương trình công tác, VPCP xây dựng, đôn đốc thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ sớm và liên tục, theo sát đến kết quả cuối cùng. Tổ chức theo dõi, cập nhật đối với từng loại chương trình để các đề án được ban hành kịp thời, đồng bộ, đi vào đời sống. Chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, cơ quan trong quá trình chuẩn bị và hoàn chỉnh các đề án, dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm.
Linh hoạt, sáng tạo, không để sót, không để chậm việc
Theo ông Nguyễn Cao Lục, VPCP đã linh hoạt sáng tạo, bám sát quy chế làm việc và yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, điều chỉnh quy trình kết hợp phương thức chỉ đạo xử lý từ trên xuống với tham mưu đề xuất từ dưới lên nhằm đẩy nhanh tiến độ, không để sót, không để chậm việc. Năm 2021 đã tiếp nhận gần 130.000 văn bản; trình lãnh đạo Chính phủ gần 12.000 phiếu trình; phát hành hơn 26.000 văn bản...
Bên cạnh việc tham mưu xử lý khối lượng lớn công việc, nội dung tham mưu đã có chuyển biến theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ. Đề xuất của VPCP ngày càng chất lượng hơn, trong đó có nhiều kiến nghị, đề xuất độc lập, thể hiện tính chủ động, sự nghiên cứu tham mưu sâu, xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều công việc quan trọng, nhạy cảm, phức tạp.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, VPCP luôn chủ động trao đổi, lấy ý kiến, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, chất lượng tốt nhất và không gây phiền hà.
VPCP đã chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết một số nội dung tồn đọng kéo dài, trong đó có những việc đã trải qua quá trình nhiều năm, phải họp nhiều lần; đã có những việc được giải quyết dứt điểm hoặc đã có phương án, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các ngành lĩnh vực quan trọng. VPCP cũng nâng cao trách nhiệm trong tham mưu khâu cuối cùng trước khi ban hành chính sách; đã phát hiện và đề xuất dừng các nội dung chưa đủ rõ, chưa được đánh giá hết tác động, chưa đủ tính dự báo, góp phần hạn chế rủi ro.
Công tác tổ chức, phục vụ họp ngày càng chủ động hơn, bảo đảm chu đáo cả về nội dung, hình thức và có nhiều tham mưu, đề xuất có chất lượng. Trong năm, VPCP đã phục vụ hơn 1.200 cuộc họp, hội nghị, làm việc, đi công tác, kiểm tra ở địa phương, cơ sở của lãnh đạo Chính phủ với nhiều đổi mới trong xây dựng chương trình, tài liệu, trong đó có nội dung rất gấp nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu. Đặc biệt, 140 cuộc họp Thường trực Chính phủ đã xử lý được nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, nhiều đề án tồn đọng nhiều năm với sự thống nhất cao.
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục nêu rõ, VPCP đã cải thiện, nâng cao chất lượng công tác thông tin và truyền thông, cải cách thủ tục hành chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cải thiện, nâng cao chất lượng truyền thông, cải cách thủ tục hành chính
Trong công tác bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã cải thiện, nâng cao chất lượng truyền thông trên internet và trên các nền tảng xã hội. Làm tốt vai trò là công cụ tuyên truyền chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phương thức truyền thông có đổi mới, cung cấp thông tin nguồn kịp thời hơn, chủ động hơn, có định hướng cao, dẫn dắt dư luận, có sức lan tỏa, được các cơ quan báo chí khai thác, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy triển khai thực hiện chính sách quan trọng, đặc biệt là công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Chủ động nắm tình hình thông tin báo chí để tham mưu xử lý phù hợp đối với vấn đề dân sinh nổi cộm; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan báo chí để cùng lan tỏa các thông tin tốt; kịp thời xử lý thông tin nhạy cảm, chưa phù hợp để không xảy ra khủng hoảng truyền thông.
VPCP cũng chú trọng tham mưu về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử; thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định liên quan đến xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.
Chủ động tham mưu, trình ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; xây dựng, trình phê duyệt Đề án Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục và hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thay đổi phương thức giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Công tác kỹ thuật tin học, an toàn, an ninh thông tin mạng đáp ứng yêu cầu xử lý công việc, hiện đại hóa, nhất là trước yêu cầu ngày càng nhiều hình thức hội nghị trực tuyến cả trong nước và quốc tế. Thiết lập hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối từ Chính phủ tới tất cả các quận, huyện, phường, xã trên cả nước, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành về phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, công tác phục vụ, lễ tân, bảo đảm các điều kiện hậu cần phục vụ công tác của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ chuyên nghiệp, chu đáo, trọng thị, tiết kiệm, an toàn tuyệt đối.
‘Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Đổi mới - Hiệu quả’
Phó Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt dịch COVID-19 có thể phức tạp hơn.
Bám sát phương châm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 là “Đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ” và chủ đề hành động năm 2022 “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, VPCP xác định chủ đề hành động là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Đổi mới - Hiệu quả”, quyết tâm nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, chấn chỉnh những vấn đề do nguyên nhân chủ quan; phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
VPCP sẽ bám sát Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng để thường xuyên đôn đốc, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, đưa cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực hiện nhiệm vụ, hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản, đề án; kịp thời báo cáo xử lý những vấn đề phát sinh.
Nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp, xứng tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đôn đốc trình đúng hạn, không để nợ đọng, không để khoảng trống pháp lý; đề xuất định hướng soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định quan trọng trong năm 2022.
Phát huy hơn nữa vai trò điều phối xử lý các vấn đề còn ý kiến khác trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần lắng nghe, tháo gỡ, giải quyết đúng vấn đề, đúng trách nhiệm. Dự báo tình huống các vấn đề nhạy cảm để có sự ứng phó phù hợp, chủ động, đón thời cơ. Tập trung nguồn lực tham mưu xử lý nhanh nhất các nhiệm vụ phát sinh, đòi hỏi yêu cầu gấp, đặc biệt là trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; quản lý, vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của chính phủ điện tử.
VPCP cũng tiếp tục vai trò truyền thông định hướng, dẫn dắt thông tin, phục vụ tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đưa chính sách vào cuộc sống; theo dõi sát thông tin dư luận, nhất là những bức xúc của người dân và doanh nghiệp.
Năm 2022, VPCP cũng rà soát, cơ cấu lại, bồi dưỡng kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu tham mưu tổng hợp phục vụ trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ có chất lượng cao vào các vị trí nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Phát huy vai trò, trí tuệ tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân từng thành viên Chính phủ Sáng 5/1, trình bày báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2021, Chính phủ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, tạo đột phá về bao phủ vaccine, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. |
Mở cửa hàng thời trang cực chất ngay văn phòng làm việc Bạn nghĩ gì về môi trường làm việc ở một công ty về công nghệ? Hẳn là những anh chàng, cô nàng khô khan kính dày cộm và dán mắt vào màn hình máy tính? Chuyện đó xưa rồi. Nếu có cơ hội đến trụ sở của One Mount, bạn sẽ choáng ngợp bởi… một gian hàng thời trang siêu đỉnh “ngự” giữa văn phòng hay là những góc làm việc, thư giãn “chill” ngoài tưởng tượng. |
Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao, tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021 về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do COVID-19. |