Vải thiều Thanh Hà được ưa chuộng ở thị trường khó tính
Ngay sau lễ khai hội mở vườn vải xuất khẩu tại thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) vào ngày 29/5, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã cắt băng đưa chuyến xe đầu tiên chở vải thiều Thanh Hà đạt chuẩn quốc tế xuất khẩu đi các thị trường như Nhật Bản, Australia...
Lễ cắt băng đưa chuyến xe đầu tiên chở vải thiều Thanh Hà đạt chuẩn quốc tế xuất khẩu đi Nhật Bản. Ảnh: Thành Luân. |
Trao đổi với tạp chí Thời đại, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) cho biết, ngay trong sáng 29/5, công ty đã có chuyến container vải đầu tiên xuống cảng Hải Phòng chuẩn bị đi đường biển sang Nhật. Dự kiến vài ngày tới có khoảng 3 container vải sang Nhật và tiếp tục nhiều hơn nữa. Khi vải chín nhiều hơn, nguồn nguyên liệu tăng, Rồng Đỏ sẽ xuất khẩu thêm sang thị trường Mỹ, Australia.
Trước đó, công ty Rồng Đỏ đã khởi đầu mùa xuất khẩu vải năm nay bằng 2 chuyến bay sớm sang Mỹ, giới thiệu vải đầu mùa Thanh Hà tới người tiêu dùng Mỹ nhân dịp Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại quốc gia này. Điều đáng mừng là công ty đã có đơn hàng thứ hai từ thị trường này và đang chuẩn bị cho đơn hàng bằng đường biển.
"Sản xuất năm nay tốt hơn năm ngoái, vải ít sâu đầu do tâm lý nông dân không còn lo lắng về dịch COVID-19 nhiều nữa, chăm sóc vườn tốt hơn, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cũng mạnh mẽ hơn. Công ty Rồng Đỏ sẽ tập trung khai thác thị trường Nhật, Australia, Mỹ và mở rộng xuất khẩu sang các thị trưởng khác như Singapore", ông Mai Xuân Thìn cho biết, đồng thời khẳng định sẽ đẩy mạnh công suất xuất khẩu do mùa vải không kéo dài, lại phụ thuộc vào tình hình thời tiết.
Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA (Hải Dương) cho hay, ngày 30/5, công ty đã xuất khẩu lô vải Thanh Hà đầu tiên sang thị trường châu Âu. Đợt này, công ty xuất khẩu vải sang các thị trường Anh, Đức, Pháp, Hà Lan. Tổng sản lượng vải xuất khẩu FUSA đã ký kết với các khách hàng châu Âu tới nay là hơn 200 tấn.
"Năm nay chất lượng vải rất tốt, mẫu mã đẹp. Hy vọng quả vải sẽ chiếm lĩnh được thị trường châu Âu và mở rộng hơn cho thương hiệu vải Hải Dương", ông Phạm Ngọc Thức nói.
Cần mở rộng diện tích vải đạt chuẩn GlobalGAP
Theo ông Phạm Ngọc Thức, hiện nay diện tích vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP còn hạn chế do thiếu kinh phí đầu tư. Bởi vậy, để quả vải Thanh Hà đi xa hơn ở các thị trường khó tính cần tiếp tục mở rộng các vùng trồng vải đạt chuẩn GlobalGAP. Chính quyền có thể hỗ trợ nguồn lực ban đầu để mở rộng diện tích, hướng dẫn bà con trồng và thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn châu Âu.
Nông dân Thanh Hà vui mừng khi năm nay vải được mùa, giá cao hơn năm ngoái khi bán ra ở mức 35.000 đồng/kg. Ảnh: Thành Luân. |
"Để sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, chi phí ban đầu bà con phải bỏ ra khá cao. Tuy nhiên, khi các công ty thu mua vải thì giá thu mua so với thị trường đã cao hơn từ 10-20% và 1kg vải thiều đến tay người tiêu dùng châu Âu đạt khoảng 18-20 Euro. Các công ty xuất khẩu không đặt nặng về giá đầu vào khi thu mua mà coi trọng chất lượng sản phẩm, phải đáp ứng được tiêu chuẩn của EU thì quả vải Việt Nam mới vào được thị trường khó tính", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Mai Xuân Thìn cho rằng, một khi áp dụng sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế để người tiêu dùng trong nước được ăn quả vải có chất lượng như vải xuất khẩu thì khi đó diện tích vải đạt chuẩn quốc tế, lượng xuất khẩu tươi hay chế biến đều tăng lên.
Để nâng cao giá trị quả vải Thanh Hà, các ý kiến đều cho rằng cần tăng cường chế biến sâu. Hiện thị trường xuất khẩu chính của vải thiều và nhiều loại nông sản khác của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA Phạm Ngọc Thức lưu ý, thị trường Trung Quốc dần khó tính như châu Âu khi đang và ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn hoặc tương đương với thị trường châu Âu, như phải truy xuất nguồn gốc, quản lý và chăm sóc theo chuẩn...
"Đối với những thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta tận dụng để xuất khẩu vải tươi. Còn với thị trường xa hơn như châu Âu, ngoài vải tươi bay đường hàng không giá rất cao, hiện FUSA và nhiều công ty xuất khẩu khác đã chế biến sâu hơn cho quả vải với các sản phẩm như nước ép vải, vải ngâm đường hoặc vải cấp đông... Đây là hướng đi mới để nâng cao giá trị sản phẩm", ông Thức nói.
Những năm qua, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan... Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, dù lượng vải xuất khẩu đối với thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng cao chưa nhiều (khoảng 5.000 tấn) nhưng tạo ra hiệu ứng rất tốt, đẩy giá bán của người dân lên cao. Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 8.900 ha trồng vải. Năm nay, tỉnh tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Sản lượng vải ước đạt trên 60.000 tấn, tăng khoảng 10% so với vụ trước. Để nâng cao chất lượng vải phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, những năm gần đây, tỉnh Hải Dương có cơ chế hỗ trợ mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện liên kết với người nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ phân bón, giám sát quy trình chăm sóc... |