Vải thiều Hải Dương cần 'số hóa' để ra thế giới
Ngày 29/5, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với gần 40 điểm cầu trong và ngoài nước, trong đó có 17 điểm cầu quốc tế tại Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Séc, Singapore, Malaysia...
Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị. |
Doanh nghiệp "khát" đặc sản
Tại các điểm cầu Trung Quốc, Australia, Malaysia và đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hệ thống phân phối, các nhà bán lẻ, các đầu mối thu mua xuất khẩu vải trong và ngoài nước đều bày tỏ mong muốn hợp tác với tỉnh Hải Dương để tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu. Bên cạnh mong muốn xuất nhập khẩu được thực hiện trực tiếp, không thông qua trung gian, các đơn vị hy vọng nhập khẩu những sản phẩm chế biến sâu, tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển và bảo quản.
Ông John Tryfopoulos, Giám đốc Quản lý Xuất nhập khẩu hoa quả tươi của Công ty 4 Ways Fresh (Australia), cho biết, năm ngoái công ty này nhập 100 tấn vải thiều vào Úc, hầu hết là sản phẩm đến từ tỉnh Hải Dương. Năm nay doanh nghiệp hy vọng nhập gấp đôi số lượng vải thiều. Hiện công ty đang đầu tư công nghệ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản tại Việt Nam và hy vọng trong thời gian tới sẽ có cơ hội đầu tư tại Hải Dương.
Theo ông Túc Dược Vân, đại diện Hiệp hội Trái cây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), năm nay Hiệp hội sẽ tích cực quảng bá cho các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả về các vùng nguyên liệu của Việt Nam, trong đó có vải thiều ở Hải Dương. Trước đó, năm 2021 khoảng 10.000 tấn vải thiều của Việt Nam đã được tiêu thụ tại đây.
Cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử
Đề cập đến vấn đề chất lượng sản phẩm, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, vấn đề mấu chốt để vải thiều nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung chinh phục được các nhà bán lẻ cũng như khách hàng là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo uy tín bền vững, lâu dài.
Để bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm cần có trung tâm sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu bên mua trước khi xuất sản phẩm khỏi địa phương. Tập trung nguồn lực cho công nghệ sản xuất, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch và đầu tư trang thiết bị cho việc tiếp cận chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Hội nghị được kết nối tới các điểm cầu trong và ngoài nước. |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lưu ý, dù việc tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương năm 2022 có tín hiệu tốt song thị trường còn diễn biến khó lường, Hải Dương cần có kịch bản, phương án tiêu thụ phù hợp. Trong đó tỉnh cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường nhằm hỗ trợ định hướng sản xuất kinh doanh cho người dân và cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, địa phương cần chủ động bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để lựa chọn phương thức phân phối, tiêu thụ hiệu quả nhất. Trong trường hợp xấu, hoạt động thu mua vải thiều và nông sản không thể tiến hành trực tiếp giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân do hạn chế về nhập cảnh, đi lại của các doanh nghiệp nước ngoài và quy định của nước nhập khẩu, Hải Dương cần sớm chủ động, thực hiện song hành kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua trong nước, các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải |
Bên cạnh đó, xây dựng các phương án tổ chức các tuần hàng nông sản giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố lớn trong nước. Đẩy mạnh khâu chế biến, nhất là đối với sản phẩm vải quả để hạn chế thiệt hại...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng gợi mở một số hướng phát triển để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ nông sản Hải Dương trong thời gian tới, trong đó cần thực hiện tốt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, tiêu chuẩn hữu cơ và các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu quy định. Tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản, nhất là chế biến sâu, hình thành trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, sản xuất sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc các trung tâm cung ứng hàng nông sản...
Đại diện cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương ký kết giao thương tiêu thụ vải thiều qua các sàn thương mại điện tử. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của tỉnh thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Vải được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Cho đến nay, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore... Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, giá trị sản xuất vải theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020. |