Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào nhiều đóng góp quan trọng cho quan hệ hai nước
Thưa ông với vai trò là cơ quan chuyên trách và nòng cốt trong công tác thúc đẩy, phối hợp và tham mưu về các hoạt động hợp tác cấp quốc gia với các bạn Lào, Uỷ ban đã tổng kết những kết quả cơ bản của sự hợp tác này như thế nào?
- Thứ nhất là hợp tác chính trị. Ủy ban hợp tác cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan khác chuẩn bị các nội dung, các chương trình để tổ chức các đoàn cấp cao của Việt Nam và Lào sang thăm và làm việc. Trong các hoạt động ngoại giao - chính trị như vậy, có những hoạt động hết sức quan trọng như buổi làm việc giữa Bộ Chính trị 2 nước cũng như cuộc gặp của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam và Lào. Trao đổi đoàn cấp cao là một trong những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị toàn diện và bền chặt giữa Việt Nam - Lào.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác Việt Nam - Lào. |
Thứ hai là lĩnh vực quốc phòng an ninh. Ủy ban hợp tác cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Trong đó đặc biệt là lĩnh vực bảo đảm an toàn, an ninh vùng ven biên giới giữa Việt Nam và Lào và các hoạt động bảo đảm an ninh quốc gia của hai nước, trong đó có hoạt động hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an của Lào trong việc triển khai các nhiệm vụ bảo đảm về quốc phòng - an ninh của cả 2 nước.
Lĩnh vực thứ ba cũng rất quan trọng, được cộng đồng và người dân quan tâm đó là hợp tác về mặt kinh tế. Ở đây, hợp tác kinh tế có khía cạnh nổi bật nhất đó là đầu tư, đây là lĩnh vực mà Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào cũng như Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam cũng có rất nhiều đóng góp trong việc xúc tiến đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại nước bạn Lào, cũng như tạo điều kiện cho Lào đầu tư tại Việt Nam.
Hiện nay, dư địa đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào và ngược lại còn rất nhiều, điểm mấu chốt là cần gia tăng các hoạt động để cho doanh nghiệp của cả 2 bên hiểu về nhau hơn cũng như là hiểu rõ hơn về bối cảnh, quy định của từng quốc gia.
Lĩnh vực thương mại cũng rất quan trọng. Tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Lào vẫn ở mức khiêm tốn, ước lượng khoảng 5 tỷ USD. Đây cũng là một nhiệm vụ vì mục tiêu đặt ra là nâng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào lên một tầm cao mới. Chúng tôi cũng rất hy vọng về cải thiện cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối giữa Việt Nam và Lào, cũng như sự cởi mở của cơ chế thương mại giữa 2 nước để có thể thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Ngoài ra còn có các nội dung hợp tác khác, trong đó có lĩnh vực cũng được coi là trọng tâm của Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào, ví dụ về triển khai các dự án Việt Nam hỗ trợ Lào về văn hóa - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực về hạ tầng, y tế, giáo dục và văn hóa...
Một lĩnh vực nữa cũng rất quan trọng đó là giáo dục đào tạo, hiện nay đã có 14.000 sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam. Hàng năm chúng ta tiếp nhận khoảng 1.000 sinh viên Lào mới học tập tại Việt Nam thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực như học về tiếng Việt.
Ngoài ra còn các hoạt động về văn hóa trong các sự kiện kỷ niệm ngày lễ lớn giữa Việt Nam và Lào. Ủy ban cũng kết hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công các sự kiện lớn như vậy.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Uỷ ban, theo ông trong thời gian tới những quy định, cơ chế hoạt động nào nên được bổ sung và hoàn thiện?
- Có rất nhiều giải pháp có thể hướng tới, trong đó cần chú trọng đến những giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, là tăng cường công tác phối hợp. Ủy ban là đơn vị mang tính tham mưu tổng hợp, mang tính đại diện để kết nối giữa hai bên Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam, do vậy việc kết hợp hiệu quả giữa các bộ ngành có liên quan đến vấn đề cụ thể là một điều hết sức quan trọng và cần thiết. Vì thế điều cần thiết ở đây là làm sao để công tác phối hợp, điều phối phải hài hòa, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả.
Nhiệm vụ thứ hai là nâng cao năng lực của đội ngũ làm việc trong Ủy ban. Hiện tại có hơi khác biệt cấp độ giữa hai Ủy ban Việt Nam và Lào. Hiện nay bộ phận thường trực ở phía Việt Nam được đặt trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy nhiên phía bên nước bạn Lào lại tương đối độc lập, tương đối lớn nên cơ chế cũng khác.
Tất nhiên điều này còn phụ thuộc quy định của từng quốc gia, trong đó Việt Nam đang triển khai chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp lại, tinh giản biên chế và thu gọn đầu mối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Chính vì lẽ đó mà việc nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ làm việc trong Ủy ban là hết sức cần thiết, để làm sao một người làm bằng hai, ba người.
Thứ ba đó là nâng cao tính kết nối, cần phải thường xuyên, liên tục và thường trực giữa hai Ủy ban. Hiện nay việc kết nối ngoài hình thức thông qua bằng văn bản chính thức giữa hai Ủy ban thì các cán bộ cũng đã làm việc qua các phương thức khác như email, điện thoại. Nhìn chung mọi việc cũng thuận lợi khi được sự hỗ trợ từ các cán bộ Lào biết tiếng Việt.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Sơn (thực hiện)