Uỷ ban Hoà bình và Phát triển Việt Nam: Chia sẻ thông tin về công tác trợ giúp nhóm dễ bị tổn thương
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Qũy Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết: Trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Rosa Luxemburrg Stiftung, Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường xã hội hóa công tác trợ giúp đối với nhóm dễ bị tổn thương” với mục đích góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách về trợ giúp xã hội cho nhóm dễ bị tổn thương. Qua Hội thảo, Ban tổ chức khuyến khích và tăng cường sự tham gia của toàn xã hội trong việc trợ giúp xã hội đối với nhóm dễ bị tổn thương, huy động các nguồn lực về tài chính và con người… và tăng cường hợp tác giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tổ chức quốc tế trong việc tăng cường trợ giúp cho nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Đối tượng bảo trợ lớn, nguồn lực hạn chế
Thống kê theo Tờ trình số 87 ngày 22/11/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trình Thủ tướng Chính phủ về “Đổi mới trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2030, hiện nay, số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta lớn, chiếm hơn 20% dân số cả nước. Trong đó có khoảng 9,2 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 5% hộ nghèo, 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, 234 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, 204 nghìn người nghiện ma tuý, khoảng 30 nghìn nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Các nhóm này đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản đối với xã hội, liên quan đến tự chủ, lợi ích, trách nhiệm, tự tôn, hỗ trợ cộng đồng, y tế, giáo dục, thông tin, việc làm, vốn và các hệ thống hỗ trợ.
Hiện nay, đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta rất lớn, chiếm 20% dân số. Kinh phí chi trợ giúp xã hội gần 15.000 tỷ đồng/ năm.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đồng Huy Cương, Tổng Thư ký Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, đã có rất nhiều những hoạt động được tổ chức để cải thiện việc trợ giúp nhóm dễ bị tổn thương. Ngoài các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu… nhằm trao đổi, phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức và thảo luận việc thúc đẩy trợ giúp đối với nhóm dễ bị tổn thương từ cấp nhà nước đến cấp cơ sở, cộng đồng; nhà nước cũng đã có những chính sách cụ thể để hiện thực hóa những biện pháp hỗ trợ nhóm này. Bên cạnh đó, các tổ chức nhân dân, phi chính phủ Việt Nam và quốc tế cũng đã có rất nhiều chương trình dự án hỗ trợ cho nhóm người yếu thế, như hỗ trợ vốn, đào tạo dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tiếp cận các dịch vụ công…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó một phần do các quy định pháp lý con những điểm chưa triệt để và rõ ràng, do hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ của một phần cán bộ cơ sở, do nguồn lực nhà nước có hạn, đặc biệt là hạn chế trong việc chia sẻ thông tin, dẫn đến việc nhận thức và tiếp cận các biện pháp của nhà nước cũng như của các tổ chức nhân dân và phi chính phủ khác của nhóm người này còn nhiều hạn chế.
Ông Đồng Huy Cương phát biểu tại hội thảo
Đồng quan điểm với ông Đồng Huy Cương, ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng Phòng Chính sách và Bảo trợ Xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: công tác bảo trợ xã hội còn gặp phải một số khó khăn. Đó là nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; chưa động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp, khu vực tư nhân và các cá nhân, tổ chức xã hội đầu tư vào trợ giúp xã hội; nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách còn có tâm lý ỷ lại vào Nhà nước.
Bên cạnh đó, diện bao phủ của trợ giúp xã hội còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp, chưa bảo đảm được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu; một bộ phận người dân khó khăn chưa tiếp cận được chính sách, dịch vụ trợ giúp xã hội; Chênh lệch đời sống của đối tượng sống ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước còn cao.
Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chủ yếu chăm sóc nội trú nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa quản lý trường hợp và chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại gia đình, cộng đồng; năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội còn yếu....
Khuyến khích xã hội hoá
Theo nghiên cứu về Vai trò của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về Bảo trợ xã hội của Quỹ Hoà bình và phát triển Việt Nam thực hiện, đã đưa ra những số liệu cụ thể minh chứng cho những tiến bộ về việc thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam. Trong đó có nêu rõ về việc giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các cộng đồng dân cư, gắn với việc hoàn thành sớm các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Nghiên cứu cũng đã cung cấp một cái nhìn tương đối toàn diện về vai trò của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về bảo trợ xã hội ở Việt Nam, trong đó bên cạnh việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, các tổ chức nhân dân đã và đang tích cực tham gia vào việc tham gia soạn thảo, phản biện, xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện các luật pháp, chính sách về an sinh xã hội như: Chính sách thị trường lao động và việc làm, Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Chính sách trợ giúp xã hội và Chương trình lưới an sinh xã hội.
Nghiên cứu cũng đã làm rõ những điểm còn hạn chế cần khắc phục đối với các tổ chức nhân dân trong việc thực hiện các chính sách về bảo trợ xã hội như: tiếng nói của các tổ chức nhân dân trong xây dựng chính sách thị trường lao động không đồng bộ, chưa đủ mạnh, nhận thức về an sinh xã hội nói chung và việc tham gia phát triển an sinh xã hội nói riêng chưa đầy đủ.
Tại Hội thảo, ông Phạm Đại Đồng cho biết, sẽ đổi mới cơ chế trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường; tạo môi trường pháp lý bình đẳng, cạnh tranh giữa cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập.
Ngoài ra, Bộ LĐTB-XH sẽ vận động và tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy sự tham gia tích cực của các tổ chức đa phương, song phương và tổ chức phi chính phủ quốc tế trong việc đầu tư nguồn lực trong lĩnh vực trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội và các nhóm dân cư yếu thế, dễ bị tổn thương.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm tăng cường hơn nữa các chương trình bảo trợ xã hội, đem lại những thông tin cần thiết để giúp một phần nào đó cho công tác lập pháp, nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội, đặc biệt là dành cho nhóm dễ bị tổn thương ngày càng tốt hơn.
Thuỳ Linh